Trung Quốc sử dụng các biện pháp mới để thắt chặt tiền ảo

14:32 | 24/05/2021 Print
Trong những ngày gần đây, trị giá của Bitcoin - đồng tiền ảo đang thống lĩnh thế giới tiền số đã mất đi gần nửa giá trị. Một trong các nguyên nhân được cho là đến từ Trung Quốc. Tại nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này, các nhà hành pháp đã thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với tiền ảo.

Một trong các biện pháp mà Trung Quốc đã đưa ra, đó là cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán Trung Quốc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo, tạo ra một sự thắt chặt mới đối với đồng tiền số. So sánh lệnh cấm được ban hành năm 2017, các nguyên tắc mới đã mở rộng đáng kể phạm vi các dịch vụ bị cấm với lý do “các loại tiền ảo không được hỗ trợ bởi bất kỳ giá trị thực nào”.

Bitcoin

Trung Quôc cấm các giao dịch liên quan đến đồng tiền Bitcoin. Ảnh minh họa.

Không được cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền ảo

Hôm thứ Tư 19/5, 3 hiệp hội tài chính bao gồm các ngân hàng và các công ty thanh toán trực tuyến đã chỉ đạo các hội viên của mình không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền ảo như mở tài khoản, đăng ký, mua bán, thanh toán, thanh khoản và bảo hiểm vốn đã được làm từ năm 2017.

Nhưng lệnh cấm mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China - PBOC) - ngân hàng trung ương của Trung Quốc cũng bao gồm cả các dịch vụ trước đó chưa được đề cập.

Ví dụ, lệnh cấm quy định rõ rằng các tổ chức không được phép chấp nhận tiền ảo, hoặc sử dụng chúng như phương tiện thanh toán và thanh khoản. Các tổ chức cũng không được cung cấp các dịch vụ trao đổi giữa tiền ảo và đồng Nhân dân tệ, cũng như các loại ngoại tệ khác.

Ngoài ra, các tổ chức còn bị cấm cung cấp các dịch vụ tiết kiệm, tín thác và dự phòng rủi ro bằng tiền ảo. Tiền ảo không được sử dụng như các mục tiêu đầu tư bởi các sản phẩm tín thác và quỹ.

Các ngân hàng và các công ty thanh toán cũng được yêu cầu nhanh chóng đẩy mạnh kiểm soát các dòng tiền liên quan đến mua bán tiền ảo và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nhận dạng các rủi ro như vậy.

Chỉ đạo được ban hành dưới hình thức một tuyên bố chung của ba hiệp hội tài chính gồm: Hiệp hội Tài chính mạng quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh khoản và Thanh toán Trung Quốc.

Các quy định thắt chặt tiền ảo trước đây

Trung Quốc không thừa nhận bất kỳ loại tiền ảo nào là đồng tiền pháp định. Hệ thống ngân hàng không chấp nhận các loại tiền ảo và do đó không cung cấp các dịch vụ tương ứng.

Năm 2013, chính phủ định nghĩa bitcoin như một loại hàng hóa ảo và cho phép các cá nhân tự do tham gia việc mua bán trực tuyến bitcoin.

Tuy nhiên, ngay sau năm đó, các cơ quan quản lý tiền tệ - tài chính, trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cấm các ngân hàng và các công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến bitcoin.

Tháng 12/2017, Trung Quốc đã cấm các hoạt động phát hành lần đầu (Initial Coin Offerings - ICOs) tại một cuộc đấu thầu để bảo vệ các nhà đầu tư và hạn chế các rủi ro tài chính. Các nguyên tắc ICO cũng đã cấm các nền tảng giao dịch tiền ảo chuyển đổi đồng tiền pháp định thành tiền ảo và ngược lại; đồng thời cũng cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán cung cấp dịch vụ cho các hoạt động ICO và tiền ảo, bao gồm các dịch vụ mở tài khoản, đăng ký, mua bán, thanh toán và thanh khoản.

Các lệnh cấm này ngay lập tức khiến cho phần lớn các nền tảng giao dịch này phải đóng cửa, rất nhiều nền tảng đã phải chuyển ra nước ngoài. Cụ thể, theo PBOC, đến tháng 6/2018 có đến 88 nền tảng giao dịch tiền ảo và 85 nền tảng ICO đã rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc thắt chặt tiền ảo?

Sự tăng giá trên bình diện toàn cầu của bitcoin đã dẫn đến việc xem xét lại việc mua bán tiền ảo tại Trung Quốc. Trong tuyên bố ngày thứ Tư tuần trước, 3 hiệp hội đã cảnh báo các hiệp định đầu cơ bitcoin đã tăng mạnh, xâm phạm “sự an toàn của tài sản của người dân, phá vỡ các trật tự kinh tế và tài chính bình thường”.

Hiện, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang giao dịch trên các nền tảng do các sàn giao dịch Trung Quốc sở hữu, nhưng đặt tại nước ngoài, bao gồm Huobi và OKEx. Trong khi đó, thị trường chứng khoán phi tập trung (thị trường OTC) của Trung Quốc cho các loại tiền ảo đã một lần nữa trở nên sôi động.

Các sàn giao dịch ở nước ngoài đã nhằm vào Trung Quốc, ví dụ như Binance và MXC, cho phép các cá nhân Trung Quốc mở tài khoản trực tuyến chỉ trong vòng vài phút. Họ cũng đang khuyến khích các giao dịch ngang hàng (peer-to-peer deals) tại các thị trường OTC mà giúp chuyển đổi đồng Nhân dân tệ sang các loại tiền ảo. Các giao dịch này được thực hiện qua các ngân hàng, hoặc các kênh thanh toán trực tuyến như Alipay hoặc WeChat Pay.

Các nhà đầu tư lẻ còn mua “năng lực tính toán - computing power” từ những người đào tiền ảo, những người đã triển khai một số các chương trinh đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều.

Trong khi đó, chính sự đe dọa tiềm tàng của tiền ảo đối với Nhân dân tệ - đồng tiền pháp định của Trung Quốc đã thúc đẩy PBOC triển khai đồng tiền số của chính mình.

Sự thắt chặt hiện nay khiến cho các cá nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc mua các loại tiền ảo qua các kênh thanh toán, có thể ảnh hưởng đến ngành đào tiền ảo khi những người đào tiền rất khó để chuyển đổi từ tiền ảo sang Nhân dân tệ. Chính các ngân hàng và các công ty thanh toán cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc nhận dạng các dòng tiền liên quan đến tiền ảo.

Theo KWinston Ma, Giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Luật New York (NYU Law School), cũng là tác giả của cuốn “the Digital War" (chiến tranh số), các nguyên tắc mới đã được thiết kế nhằm cắt bỏ hoàn toàn các giao dịch tiền ảo ra khỏi các hệ thống tài chính của Trung Quốc và tin rằng Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ ban hành các quy định mới về tài sản ảo.

Trong khi đó, bình luận về lệnh cấm được tái lập của Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cấm bitcoin ít nhất một lần trong mỗi chu trình tăng giá./.

Nguyễn Thịnh (Theo Reuters)

Nguyễn Thịnh (Theo Reuters)

© Thời báo Tài chính Việt Nam