Nối lại đàm phán FTA trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành

14:29 | 20/05/2021 Print
Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đạt thỏa thuận nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở quốc gia Nam Á này.

Động lực lớn từ hai phía

Ấn Độ và EU có vị trí kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. Năm 2020, trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới thì EU chiếm 3 vị trí là Đức (thứ 4), Pháp (thứ 7) và Italia (thứ 8), trong khi Ấn Độ hiện đang xếp thứ 6 về quy mô kinh tế. Tiềm năng về hợp tác kinh tế giữa 2 bên là rất lớn và có sự gia tăng đáng kể thời gian qua. Trong hơn 10 năm trở lại đây, kể từ năm 2007 khi 2 bên bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc hướng tới hợp tác sâu rộng, kim ngạch thương mại đã tăng tới 72%.

Với 27 nước thành viên, EU hiện đang là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm của Ấn Độ như cơ khí, dầu khí, da giầy…Kim ngạch thương mại của Ấn Độ với EU đạt khoảng 96 tỷ EUR (117 tỷ USD), tương đương 11% tổng thương mại dịch vụ và hàng hóa của Ấn Độ, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

ấn độ
Ảnh minh họa: TL

Với EU, Ấn Độ từ lâu đã trở thành thị trường tiềm năng. Ấn Độ với dân số hơn 1,3 tỷ người, tốc độ tăng trưởng bình quân trước đại dịch đạt 6%/năm. Đặc biệt, sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu với thu nhập tăng đáng kể đã thu hút sự quan tâm từ phía các ngành sản xuất các sản phẩm cao cấp như:ô tô, rượu vang, mỹ phẩm và cả lĩnh vực tài chính của EU.

Thực tế, 2 bên đã bắt đầu đàm phán về hợp tác chiến lược từ năm 2007 nhưng đã đứt mạch vào năm 2013 do những xung đột về thuế, bản quyền sở hữu trí tuệ và quyền của các chuyên gia Ấn Độ làm việc ở châu Âu đặc biệt là về vấn đề về tài chính, xe hơi và rượu vang. Trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế thế giới, thỏa thuận mới được kỳ vọng là sẽ mang lại động lực và lợi ích kinh tế cho cả Ấn Độ và EU.

Thỏa thuận được ký kết

Theo Bloomberg, ngày 08/5/2021 tại Porto, Bồ Đào Nha, các nhà lãnh đạo EU đã ký thỏa thuận tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo đó, 2 bên cam kết tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược, nối lại đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như số hóa, y tế và biến đổi khí hậu.

Trước đó, vào tháng 10/2020 Ấn Độ và EU đã tổ chức Hội nghị Tham vấn An ninh và Chính sách Đối ngoại lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến, dưới sự đồng chủ trì của Bí thư (Thứ trưởng) Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Tây Vikas Swarup và Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Cơ quan Đối ngoại EU Enrique Mora. Tại Hội nghị, hai bên đã lưu ý tầm quan trọng của hợp tác Ấn Độ - EU đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu và về vấn đề này, đã nhất trí sớm tổ chức Đối thoại Cấp cao về Thương mại và Đầu tư vào năm sau tại Bồ Đào Nha.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bên lề cuộc họp trực tuyến thể hiện sự kỳ vọng lớn vào thành công của cuộc đàm phán khi nhấn mạnh “Tôi đang trông chờ vào các cuộc đàm phán được nối lại về một thỏa thuận thương mại tự do. Những kỳ vọng hiện rất cao. Tôi rất lạc quan rằng chúng ta có thể tiến được một bước lớn bởi giữa EU và Ấn Độ không chỉ có mối quan hệ thân thiết và còn chứa đựng nhiều tiềm năng chưa được khai thác”.

Bên cạnh đó, EU và Ấn Độ cũng đồng ý khởi động các cuộc đàm phán để tiến tới hai thỏa thuận riêng biệt về bảo hộ đầu tư và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các mặt hàng từ gạo Basmati, phô-mai Roquefort hay trà Darjeeng. Ngoài ra, còn một số thỏa thuận liên quan đến bảo hộ một số sản phẩm đặc thù, có xuất xứ riêng như champagne hoặc thịt nguội Parma.

Trước đó vài ngày, Ấn Độ và Anh cam kết thực hiện "bước nhảy vọt" trong quan hệ kinh tế. Hai nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại vào năm 2030./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam