Giá vàng châu Á sáng 17/5 chạm mức cao nhất ba tháng

09:24 | 17/05/2021 Print
Giá vàng đi lên và chạm mức “đỉnh” ba tháng trong phiên giao dịch mở cửa phiên 17/5, do đồng USD yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm đã thúc đẩy tính hấp dẫn của kim loại quý này.

Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Dubai

Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Bên cạnh đó, dữ liệu gây thất vọng về doanh số bán lẻ của Mỹ vừa được công bố cuối tuần trước cũng tạo thêm động lực cho vàng.

Mở cửa phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.844,60 USD/oune, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 10/2 vào trước đó ít lâu. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tiến 0,4%, lên 1.845,60 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD - thước đo đánh giá diễn biến đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt - đã rời khỏi mức cao nhất gần một tuần xác lập hồi tuần trước. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng rời khỏi mức cao nhất một tháng ghi nhận trong tuần vừa qua. Điều này làm giảm chi phí cơ hội cho những người nắm giữ các mặt hàng không sinh lời như vàng.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 14/5 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ bị đình trệ trong tháng 4/2021, dù có khả năng sẽ tăng tốc trở lại trong những tháng tới giữa bối cảnh lượng tiền tiết kiệm của người dân đạt mức cao kỷ lục và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở cửa trở lại.

Báo cáo về doanh số bán lẻ đã góp phần kiềm chế những lo ngại về lạm phát gia tăng và đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Cũng trong phiên này, giá palladium tăng 0,2%, lên 2.898,24 USD/ounce. Giá bạc hạ 0,1%, xuống 27,38 USD/ounce, trong khi giá bạch kim lùi 0,2%, xuống 1.222,04 USD/ounce.

Giá dầu giảm do những lo ngại về nhu cầu ở châu Á

Trong phiên giao dịch sáng 17/5, giá dầu giảm trên thị trường châu Á do đường ống Colinial Pipeline ở Mỹ hoạt động trở lại đã làm giảm những lo ngại về nguồn cung. Thêm vào đó, các hạn chế đi lại được áp đặt ở các nước châu Á để phòng chống COVID-19 đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nhu cầu dầu suy giảm.

Vào lúc 7 giờ 36 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 8 xu Mỹ, hay 0,1% xuống còn 68,63 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 7 xu Mỹ, hay 0,1% và được giao dịch ở mức 65,30 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng dầu nói trên đều tăng gần 2,5% trong phiên 14/5 và tăng nhẹ trong tuần trước, đánh dấu tuần thứ ba giá “vàng đen” tăng liên tiếp.

Tình trạng thiếu hụt xăng ở Bờ Đông nước Mỹ đã dần dịu xuống trong ngày 16/5, khi thêm 1.000 trạm xăng nữa được cung cấp xăng khi hệ thống ống dẫn dài 8.900 km của Colonial Pipeline đã khôi phục hoạt động sau một vụ tấn công mạng.

Bên cạnh đó, Kazuhiko Saito, trưởng bộ phận phân tích của công ty môi giới hàng hóa Fujitomi Co, nhận định giá dầu đang chịu áp lực khi làn sóng lây nhiễm ở Ấn Độ lan sang các khu vực khác ở châu Á, từ đó làm gia tăng lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi chậm hơn.

Singapore sẽ đóng cửa hầu hết các trường học từ ngày 19/5 sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong nhiều tháng qua, trong khi Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở ba tỉnh nữa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co, các công ty năng lượng của Mỹ đã tăng số giàn khoan dầu khí tuần thứ ba liên tiếp, khi giá dầu thô tăng lên.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam