Kinh tế Trung Quốc chững lại

15:16 | 10/05/2021 Print
Mặc dù đã kiểm soát cơ bản dịch Covid-19, cộng với những thay đổi trong chiến lược phát triển nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn đang có dấu hiệu giảm trong tháng 4/2021. Các chỉ số quan trọng như PMI sản xuất, PMI khu vực phi sản xuất đã giảm so với tháng trước.

Chững lại trong tháng 4/2021

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại trong tháng 4/2021 mặc dù đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong quý 1/2021 khi tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thực tế, dù 18,3% là mức tăng trưởng quý kỷ lục (tính từ năm bắt đầu thực hiện thống kê theo quý 1992) nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo (19%) mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Đồng thời việc so sánh với mốc là quý 1/2020 thời điểm kinh tế đang suy thoái và ở mức thấp (tăng trưởng -6,8%) do đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh khiến số liệu tăng trưởng trong quý 1/2021 không đại diện cho sự tăng trưởng đột phá của kinh tế nước này. Nếu so với quý 4/2020 (tăng trưởng 3,2%), GDP chỉ tăng ở mức 0,6%, một tốc độ chậm lại đáng kể.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/4/2021, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc đã giảm về mức 51,1 điểm trong tháng 4 từ mức 51,9 điểm trong tháng 3. Mức giảm này mạnh hơn mức trung bình 51,6 điểm theo khảo sát của Wall Street Journal thực hiện với các nhà kinh tế.

trung quoc
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại trong tháng 4/2021. Ảnh: TL

Dù điểm số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn cao hơn 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, tuy nhiên NBS nhận định áp lực lên các doanh nghiệp nước này sẽ ngày càng tăng khi tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu, tắc nghẽn logistics quốc tế và chi phí vận tải biển tăng cao. Hiện hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp điện tử nước này đang chậm lại đáng kể vì những khó khăn trên.

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý các công ty công nghệ như Alibaba, Tencent… từ cuối năm 2020, đặc biệt là mức phạt kỷ lục hồi đầu tháng 4 với Alibaba (lên tới 2,8tỷ USD) kèm theo đó là các yêu cầu thu hẹp hoạt động, tái cấu trúc khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo đó làm giảm động lực tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới của ngành sản xuất cũng giảm về mức 50,4 điểm so với 51,2 điểm trong tháng 3. Chỉ số niềm tin kinh doanh cũng giảm từ mức 51,9 điểm trong tháng 3 xuống còn 51,1 điểm trong tháng 4/2021. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thiếu hụt nguồn cung đầu vào, nhất là nguồn cung của lĩnh vực sản xuất điện tử. Trong khi việc đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tại một số quốc gia trên thế giới khiến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này bị thu hẹp đáng kể. Trong tháng 3/2021 cán cân thương mại của Trung Quốc chỉ đạt 13,8 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2020.

Khu vực phi sản xuất cũng ghi nhận mức suy giảm đáng kể. Theo báo cáo của NBS, trong tháng 4, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, bao gồm các ngành dịch vụ và xây dựng, giảm về mức 54,9 điểm so với mức 56,3 điểm trong tháng 3. Chỉ số này suy giảm chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh từ hoạt động xây dựng. Chỉ số PMI ngành xây dựng của Trung Quốc rơi về mức 57,4 điểm trong tháng 4 so với mức 62,3 điểm trong tháng truớc. Việc này bắt nguồn từ các quy định quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm thắt chắt tín dụng và điều kiện mua nhà của người dân.

Kỳ vọng từ khu vực sản xuất nhỏ và mức chi tiêu tăng

Tín hiệu lạc quan đến với kinh tế Trung Quốc từ các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ. Chỉ số PMI ngành sản xuất do Caixin/Markit khảo sát tăng lên 51,9 điểm trong tháng 4 từ mức 50,6 điểm trong tháng 3, cho thấy hoạt động của các nhà sản xuất quy mô nhỏ đang tăng lên mức cao nhất trong năm nay.

Theo bà Betty Wang, nhà kinh tế ở Ngân hàng ANZ, nhận định: “Dù chỉ số PMI chính thức của NBS giảm xuống mức thấp bất ngờ, sự cải thiện của chỉ số PMI ở các nhà sản xuất nhỏ phát đi tín hiệu tích cực, cho thấy đà phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục tăng tốc vào tháng trước”.

Bên cạnh đó, sức chi tiêu của nguời tiêu dùng Trung Quốc đang cải thiện đáng kể sau một năm bị kìm hãm bởi các quy định hạn chế đi lại và kỳ vọng thấp về thu nhập. Theo NBS, mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân đã tăng mạnh, thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ của ngành khách sạn, nhà hàng, giải trí.

Dù vậy, mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào sức khoẻ của thị truờng việc làm, vốn vẫn yếu ớt khi hoạt động sản xuất, nhất là từ khu vực sản xuất điện tử vốn chiếm tỷ lệ lao động cao đang giảm. Các chỉ số phụ về sử dụng lao động của chỉ số PMI ngành sản xuất và phi sản xuất của Trung Quốc đều giảm trong tháng 4, cho thấy các doanh nghiệp đang tăng tốc sa thải lao động.

“Đà phục hồi chậm chạp của thị trường lao động Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc”, bà Betty Wang nhận định./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam