50% số hộ kinh doanh đã được thu thập cơ sở dữ liệu

11:38 | 30/09/2015 Print
Ông Nguyễn Anh Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm cho biết, tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn quận khoảng xấp xỉ 9.900 hộ, tính đến cuối tháng 9 đã có gần 50% số hộ được thu thập thông tin làm cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh.

hộ kd

Một hộ kinh doanh trên phố Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm tiếp cán bộ thuế đến điều tra thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu. ảnh: PV

Theo ông Dũng, thực hiện Thông tư số 92/2015/TT- BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai đến các địa bàn trong đó có Hoàn Kiếm về việc công khai thông tin hộ khoán và thu thập thông tin làm cơ sở dữ liệu hộ khoán trên địa bàn.

Chi cục Hoàn Kiếm đã triển khai bài bản từ việc thông tin tuyên truyền, tập huấn cán bộ quản lý hộ khoán, thành lập tổ triển khai, tham mưu cho UBND quận có văn bản chỉ đạo các ngành, cấp vào cuộc…

Theo ông Dũng, số thu từ khu vực hộ kinh doanh nộp thuế khoán chiếm khoảng từ 25% đến 28% (gần 1/3) tổng thu từ khu vực thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh. Dự kiến, đến đầu tháng 11, công việc thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh thuế khoán sẽ hoàn tất.

Địa bàn quận Hoàn Kiếm là khu vực trung tâm thành phố, cơ bản là số hộ kinh doanh ổn định, nhiều năm không có biến động về số lượng hộ. Mặt khác các hộ kinh doanh trên địa bàn đều hiểu biết rõ chính sách thuế và có sự hợp tác tốt với cơ quan thuế.

Ông Phạm Ngọc, 86 tuổi - chủ một hiệu kinh doanh thuốc tân dược tại số 17 Hàng Phèn, Hoàn Kiếm cho biết: “Trước đây, cơ quan thuế công khai mức thuế các hộ khoán tại trụ sở hoặc ở trụ sở UBND phường. Nhưng thú thật, chúng tôi cũng chả bao giờ đến xem và cũng ngại đến xem. Lần này, bảng công khai thuế gửi tới tận nhà, chúng tôi rất hoan nghênh.”

ho kd2
Ông Phạm Ngọc, số 17 Hàng Phèn, Hoàn Kiếm trao đổi thẳng thắn với phóng viên. Ảnh: PV

Về việc thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ xây dựng biểu thuế mức khoán năm 2016, ông Ngọc cho biết, cán bộ thuế giải thích cặn kẽ, nên rất hiểu và hợp tác cung cấp thông tin.

“Trước đây, cứ lâu lâu lại điều chỉnh tăng thuế. Cứ tăng suốt, không có giảm. Tôi hiểu, điều tra lần này để có căn cứ xem có làm ăn được không, chi phí bao nhiêu để khoán cho đúng. Tức là có tăng, có giảm chứ".

“Tôi đề nghị là việc điều tra thu thập thông tin là phải làm thường xuyên. Nếu kinh doanh tốt, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế cao hơn. Còn nếu không kinh doanh được thì phải giảm thuế cho chúng tôi”- ông Ngọc đề nghị./.

Thanh Bình

Thanh Bình

© Thời báo Tài chính Việt Nam