Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trong lĩnh vực y tế: Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị

15:53 | 06/07/2015 Print
(TBTCVN) - Trước nạn buôn lậu, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực y tế từ thuốc chữa bệnh đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong dư luận, cơ quan chức năng đã hành động thế nào?

thực phẩm chức năng

Tang vật một lô hàng thực phẩm chức năng giả do lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ. Ảnh: Hải Anh

Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này.

-PV: Công tác chống buôn lậu, hàng giả trong lĩnh vực y tế đã được thực hiện ra sao và thu được kết quả như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Cẩn: Từ nửa cuối năm 2014, đến nay với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Cụ thể: Vụ khởi tố, bắt tạm giam 1 đối tượng quốc tịch Trung Quốc về hành vi sản xuất, buôn bán 300 thùng mỹ phẩm và 40 kg tem nhãn giả tại Quảng Ninh; vụ bắt giữ trên 10 tấn thực phẩm chức năng giả tại TP. Hồ Chí Minh; trong tháng 6/2015; vụ phát hiện, bắt giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả tại TP. Hà Nội…

Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trong lĩnh vực y tế: Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị
Các cơ quan chức năng cần nỗ lực vào cuộc hơn nữa...   Ông Nguyễn Văn Cẩn        

Tuy nhiên cũng cần thừa nhận tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền chỉ tính riêng trong lĩnh vực y tế (dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm) đang gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang. Hàng giả vẫn được vận chuyển, bày bán tràn lan, do một số ngành, chính quyền địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt; văn bản chế tài xử lý các vụ việc chưa đồng bộ.

Thực tế, nhiều loại hàng hóa có thương hiệu, được thị trường chấp nhận và có sức tiêu thụ tốt thì sau thời gian ngắn đều phải đối mặt với nguy cơ bị làm giả, làm kém chất lượng, xâm phạm bản quyền tinh vi, đặc biệt là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm..., ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước.

-PV: Để tạo chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng kém chất lượng, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực y tế, ông có thể cho biết một số giải pháp?

- Ông Nguyễn Văn Cẩn: Theo tôi, trước tiên cần phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính; tăng cường chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng (nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường, công an) đẩy mạnh phối hợp đấu tranh với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ (trong thời gian tới, tập trung nhóm mặt hàng có sức tiêu thụ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm).

Thường xuyên mở các đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở, kho, bãi, chợ, trung tâm thương mại, chợ thuốc tại các địa phương trọng điểm và thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... để kịp thời phát hiện, xử lý vi nghiêm các vi phạm.

Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nếu địa bàn, lĩnh vực quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái phức tạp, kéo dài; đồng thời khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả; phát động phong trào toàn dân tham gia chống buôn lậu, chống việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.

-PV: Như ông vẫn nói, trong việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực y tế cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên ngành Bộ Y tế. Ông có thể đề cập rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế?

- Ông Nguyễn Văn Cẩn: Về phía ngành Y tế, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế bằng các hành động thiết thực như: Góp ý cho cơ quan chuyên môn hoàn thiện các quy định của pháp luật và hàng rào kỹ thuật về các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám định, điều kiện cấp phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với lĩnh vực hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Hướng dẫn, bắt buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định về ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; các quy định về đo lường chất lượng, công bố chất lượng...; thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng nắm bắt hàng giả, hàng nhái, giúp người mua hàng nhận biết hàng giả và hàng thật...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế cần thể hiện vai trò đầu mối quản lý ngành đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, dược phẩm thông qua các hoạt động phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, kịp thời cho các lực lượng thực thi và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về các hành vi, hiện tượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hàng hàng giả, hàng nhái; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.

-PV: Xin cảm ơn ông!


Song Linh

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam