Nợ công của Đức tăng tới mức kỷ lục do tác động của COVID-19

08:11 | 30/07/2021 Print
Do hậu quả của đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ công của Đức trong năm ngoái đã tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn đang kiểm soát tốt tỷ lệ này.

euro

Ảnh minh họa

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, vào cuối năm 2020, nợ công của nền kinh tế Đức đã đạt mức 2.172,9 tỷ euro (2.580,63 tỷ USD), mức cao nhất từng được ghi nhận trong thống kê nợ hàng năm.

So với năm 2019 trước đó, tỷ lệ nợ công năm 2020 đã tăng 14,4%, tương đương 273,8 tỷ euro. Nếu tính bình quân đầu người, khoản nợ này tương ứng với 26.141 euro/người, tăng 3.281 euro so với cuối năm 2019 (22.860 euro/người).

Destatis cho biết, tỷ lệ nợ gia tăng ở mức cao chủ yếu là do chính phủ liên bang và các bang phải triển khai các biện pháp tài chính quyết liệt để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Vào cuối năm 2020, nợ chính phủ của Đức ở mức 1.403,5 tỷ euro, tăng 18,1% (tương đương 214,9 tỷ euro) so với cuối năm 2019. Trong khi đó, tổng khoản nợ của các bang tăng 9,8% (57 tỷ euro). Mức tăng các khoản nợ được ghi nhận ở tất cả 16 bang của Đức.

Nợ bình quân đầu người cao nhất là ở các thành phố lớn, trong đó cao nhất là Bremen với mức 57.823 euro/người; tiếp đến là Hamburg (19.181 euro/người), Berlin (16.307 euro/người). Trong khi các bang có tỷ lệ nợ bình quân đầu người thấp nhất là Sachsen (1.244 euro/người) và Bayern (1.359 euro/người).

Mặc dù tỷ lệ nợ công tăng cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát tốt của Chính phủ Đức.

Theo chuyên gia Sebastian Dullien, lãnh đạo Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô IMK, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế và đời sống xã hội, tỷ lệ gia tăng nợ công của Đức là rất lớn, nhưng điều này không đáng lo ngại với nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Tỷ lệ nợ hiện tại vẫn thấp hơn tỷ lệ nợ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2012 và có thể giảm nhanh từ năm 2022.

Nói về các biện pháp giảm nợ công, chuyên gia Sebastian Dullien cho rằng sẽ phản tác dụng nếu cắt giảm chi tiêu của chính phủ hoặc tăng mạnh các khoản thuế, vì các biện pháp như vậy sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam