Đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung nông sản

16:23 | 01/08/2021 Print
(TBTCVN) - Làm thế nào để vừa phòng dịch tốt nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản là điều băn khoăn hiện nay của các doanh nghiệp, siêu thị, địa phương, đặc biệt là các địa phương phía Nam trong bối cảnh đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.

12

Nguồn cung nông sản dồi dào tại Siêu thị Emart Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

Vẫn còn “ách tắc” trong khâu lưu thông vận chuyển

Chia sẻ tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng chống Covid-19”, do Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng giám đốc Công ty VinCommerce - đại diện chuỗi siêu thị Vinmart Đồng Nai cho biết, trong thời gian dịch, hệ thống cung ứng thực phẩm đứt gãy, hệ thống siêu thị gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu thông cho hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp kịp thời của Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT, chuỗi siêu thị do bà quản lý đã gặp các nhà cung cấp có uy tín để làm việc lâu dài. Bà Thủy đề xuất, những chương trình của Tổ công tác 970 tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho hay, việc vận chuyển hàng hóa có gặp khó khăn trong vài ngày đầu giãn cách, nhưng sau đó, nhờ các đơn vị tạo điều kiện, hàng hóa đã lưu thông tốt hơn mà vẫn đảm bảo được an toàn phòng dịch. Tuy nhiên giữa các tỉnh hiện nay, quy định về vận chuyển chưa thống nhất, do đó rất mong có chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương để các doanh nghiệp nắm được và phòng dịch tốt nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung cấp.

Đồng tình quan điểm việc triển khai chỉ thị cần được thống nhất chung tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Phạm Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc cũng nêu một số khó khăn trong việc lưu thông và phân phối hàng hóa như: Về quy định vận chuyển, "luồng xanh" ở mỗi nơi một kiểu vận dụng, khiến lưu thông rất khó, đặc biệt vùng giáp ranh. Có những nơi, 2 đầu cầu đã yêu cầu khác nhau, có nơi còn siết chặt quy định, giấy cho phép 72 giờ, nhưng chỉ lưu thông trong 24 giờ. Hiện "luồng xanh" chủ yếu cấp cho các xe vận tải nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cũng cho hay, hiệp hội đang nỗ lực thúc đẩy đưa hàng nông sản vào phục vụ tại hệ thống bán lẻ trực thuộc. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa vào vùng dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; thậm chí nhiều nhà cung cấp không được vào cấp hàng, từ đó đã dẫn đến đứt gãy nguồn cung... Bà Hậu đề nghị, cần có giải pháp cụ thể hơn để nguồn cung không bị đứt gãy.

Tập trung giải quyết vận chuyển thông suốt

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dự kiến trong tháng 8 tại các tỉnh phía Nam sẽ có 700.000 ha lúa Hè Thu được thu hoạch với sản lượng 3,8 triệu tấn gạo. Cùng với đó, có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ được thu hoạch, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong vùng chỉ khoảng 500.000 tấn, phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ ở các vùng khác và xuất khẩu. Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn sẽ thu hoạch trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.

“Thời điểm tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, toàn bộ cây ăn trái các tỉnh phía Nam chỉ thu hoạch trái vụ nên sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đang có dấu hiệu chậm lại, có nơi dư thừa là do ách tắc trong khâu lưu thông vận chuyển” - ông Lê Thanh Tùng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 thông tin, nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm hiện nay rất dồi dào, một số mặt hàng còn có hiện tượng cung vượt cầu. Do đó, việc quan trọng hiện nay là phải tập trung giải quyết vận chuyển thông suốt, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng khu vực mà còn phải kết nối với các chuỗi cung ứng khu vực khác và phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ: Giao thông vận tải, Công thương, tình hình giao thương về cơ bản vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, tại một số địa phương có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, buộc phải ưu tiên kiểm soát dịch, dẫn đến việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản còn bị ách tắc cục bộ.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình kết nối cung ứng nông sản giữa các tỉnh, thành phố, ông Trần Thanh Nam yêu cầu các ban ngành, đặc biệt ngành Nông nghiệp cần tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành phương án khắc phục, xây dựng các vùng an toàn Covid-19, chỉ đạo sản xuất và cung ứng ổn định nguồn nông sản. Các ban/ngành có thể tạm thời xác nhận các lô hàng, đơn vị cung ứng hàng nông sản, sản phẩm thiết yếu để đảm bảo lưu thông kịp thời; các điểm chốt và các địa phương trên dòng lưu chuyển cần nghiên cứu giải pháp phù hợp để hỗ trợ...

Ở góc độ đơn vị thông tin truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng thì cần linh hoạt và cụ thể theo từng địa phương, từng vùng và theo mức độ phức tạp của đại dịch. Đồng thời, các tỉnh cần chủ động tạo ra “vùng xanh” cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, điển hình như cách làm của Bắc Giang là cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ.

Với các đơn vị liên quan, VNPost (Bưu điện Việt Nam) và Viettel Post (Công ty CP Bưu chính Viettel) có thể tham gia vào quá trình cung cấp hàng hóa, bên cạnh đó hỗ trợ bà con đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, chủ đạo là Postmart và Vỏ sò…

573 đầu mối kết nối, tiêu thụ nông sản tại TP. Hồ Chí Minh

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh vừa cho biết, hiện đã có 573 đầu mối tham gia kết nối, tiêu thụ nông sản tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều sản phẩm đang có số lượng cung vượt cầu. Mặc dù mới thành lập, Tổ công tác 970 đã nhanh chóng tham gia hỗ trợ và tổ chức hiệu quả các hoạt động tại tâm dịch miền Nam; về cơ bản, tổ này đã tạo cầu kết nối cho nông sản và sản phẩm thiết yếu phục vụ giữa vùng dịch và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam