Vì sao lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long rớt giá?

15:13 | 07/08/2021 Print
Ách tắc trong khâu thu mua, lưu thông, vận chuyển là "thủ phạm" chính gây rớt giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Vì vậy, các bên liên quan đề nghị khẩn cấp tạo luồng xanh trong lưu thông cho lúa gạo.

lúa gạo

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo và các tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.

Giảm năng suất, giá bán, đứt gãy chuỗi cung ứng

Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT cũng như nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo cho biết, hiện khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.

Cụ thể, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng…

Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg. Do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa. Hiện các công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa có hướng xử lý.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, vừa qua giá lúa giảm vì cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, theo thông lệ hằng năm, vào chính vụ lúa Hè Thu giá lúa cũng giảm so với bình quân của lúa Đông Xuân. Cộng thêm hiệu ứng thị trường giá gạo thế giới giảm, các nhà máy phải thực hiện giãn cách, “3 tại chỗ” nên năng lực sản xuất cũng giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cam kết mua lúa cho nông dân nhưng cũng có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống để họ "bắt đáy”.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, lúa Hè Thu 2021 đã thu hoạch được 702 nghìn ha. Ước thu hoạch lúa Hè Thu trong tháng 8 được 680 nghìn ha với sản lượng đạt 3.808 nghìn tấn, sản lượng lũy kế đạt 7.867 nghìn tấn. Dự kiến đến 15/9/2021 kết thúc thu hoạch.

“Tình hình này đã và đang không chỉ gây rất nhiều khó khăn cho việc thu mua, xuất khẩu gạo vụ hè thu 2021 tại ĐBSCL, mà còn có nguy cơ kéo dài sang cả vụ thu đông năm 2021 cũng như vụ đông xuân 2021-2022 nếu như tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài” - đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định.

Tạo “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo

Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị, các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa như: mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ lúa cho người dân được diễn ra thông suốt.

Đồng tình quan điểm trên, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng, cần thiết lập “luồng xanh” cho hệ thống ghe vận chuyển. Để chặn đà giảm giá, doanh nghiệp cần đặt cọc ngay từ bây giờ cho nông dân và đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho ngân hàng thương mại thu mua lúa cho nông dân được vay ưu đãi lãi suất với việc thế chấp bằng lúa. Điều này cũng sẽ đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong 4 tháng tới.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị các đơn vị chuyên môn cần báo cáo với cấp cao nhất của địa phương có chính sách nhất quán, không vì dịch Covid-19 mà ngăn giao thông, vì dịch không thể trong thời gian ngắn có thể khống chế được. Do đó, địa phương cần có biện pháp trong thời gian dài hạn.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhưng khó khăn của hoạt động doanh nghiệp trong nông nghiệp là còn phụ thuộc, ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân...

Hiện nay các thương lái, doanh nghiệp đi thu mua lúa gạo đã phải đội thêm các chi phí tăng thêm do khâu phòng chống dịch bệnh, kiểm tra xét nghiệm, vì thế việc đảm bảo thông thương cho thu mua, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu đòi hỏi các bộ ngành liên quan, các địa phương phải cùng vào cuộc để tháo gỡ. "Vấn đề tiêu thụ lúa gạo, do vậy không phải cứ “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp là được, mà còn liên quan tới bên công an, bên giao thông, bên y tế…" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần hỗ trợ tích cực mua lúa gạo cho nông dân, không chờ lúa hạ giá thêm nữa rồi mới mua. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như cơ hội để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua tạm trữ, có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trên cơ chế cho thế chấp tài sản là lúa gạo thu mua.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào. Nếu doanh nghiệp lúa gạo có nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đồng tình và cam kết đảm bảo vốn vay cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế cho phép lấy lúa gạo thu mua chính là tài sản thế chấp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam