Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt khó, tăng trưởng ổn định

19:31 | 05/08/2021 Print
(TBTCVN) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 7 tháng đầu năm nhưng ngành Nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế.

nong

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cũng như đảm bảo lương thực, thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 28,6 tỷ USD

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch Covid-19 đã khiến đơn hàng của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) giảm, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại. Các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Nhờ đó, XK nông, lâm, thủy sản đã đạt được kết quả khả quan, với tổng giá trị 7 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK tăng gồm cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm…

Bộ NN&PTNT nhận định, kết quả này cũng là nhờ các doanh nghiệp XK nông lâm thủy sản đã nỗ lực và linh hoạt để ổn định sản xuất, duy trì nguồn cung, tận dụng cơ hội của các thị trường. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam; hỗ trợ các địa phương giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử…

Trong thời điểm dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT vẫn đảm bảo không để những chuỗi giá trị bị đứt gãy bởi sản xuất nông nghiệp phải được gắn liền với chuỗi giá trị. Theo đó, bộ này đã thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN, địa phương về sản xuất, cung ứng cũng như kết nối tiêu thụ nông sản (Tổ công tác 970). Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã duy trì được nguồn cung ở 19 tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Tính đến nay, đã có gần 580 đơn vị doanh nghiệp phía Nam được kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản. Đáng chú, trong ngày 31/7, Tổ công tác 970 đã kết nối với 1 doanh nghiệp liên doanh với Singapore để tiêu thụ 1.000 tấn thủy sản các loại, nhận hàng trong 10 ngày…

Thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù số liệu XK nông, lâm, thủy sản tăng, song không thể chủ quan bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Vì vậy, thời gian tới Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa ra phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, XK.

Đặc biệt, để phát triển mạnh thị trường XK, Bộ NN&PTNT hỗ trợ thông tin DN XK nông sản về các hiệp định thương mại nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định; hướng dẫn DN, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường XK phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Song song đó, ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, DN XK nông sản đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản XK của Việt Nam. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa XK chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng như: khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa; đồng thời, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường XK trọng điểm.

Cùng với việc hỗ trợ DN thúc đẩy XK, mở cửa thị trường, Bộ NN&PTNT tích cục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước như: tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; tăng cường hỗ trợ DN triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử; thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng "luồng xanh", "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn…

Để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất đảm bảo kế hoạch và sản lượng lúa, giữ vững an ninh lương thực và một phần XK, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề xuất thành lập một hiệp hội lúa gạo và hiệp hội cây ăn quả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan, đơn vị của Bộ NN&PTNT cũng sẽ tham gia cùng các hiệp hội ngành hàng tạo thành chuỗi hệ thống thông tin để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho người nông dân. Bởi, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan nếu không có hệ thống những hiệp hội ngành hàng thì ngành Nông nghiệp sẽ không có chỗ dựa những lúc khó khăn như hiện nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42,0% thị phần, châu Mỹ 31,0%, châu Âu 11,0%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,5%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ chiếm 28,9% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc chiếm 19,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản chiếm 6,8 thị phần; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc chiếm 44,2% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản.

New Document (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam