Đà tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều rủi ro bủa vây phía trước

19:42 | 03/08/2021 Print
(TBTCVN) - Hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đều đạt mức tăng trưởng khá tích cực. Song, đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

xk

Dự báo, xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro nếu không nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Xuất khẩu đang dần chững lại

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Song, bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đang có phần chững lại.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Song, tính chung 7 tháng, con số ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, thời gian qua, giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát, chúng ta chứng kiến sự vươn lên của khu vực kinh tế trong nước với kim ngạch xuất khẩu đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.

Cũng trong 7 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng như cao su tăng lên tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ, đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD.

Có thể thấy, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đều đạt mức tăng trưởng khá tích cực. Song điều đáng nói là đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Thêm vào đó, số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, nhập siêu đang ngự trị khi cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD.

Không ít rủi ro bủa vây trước mắt

Theo dự báo trong thời gian tới, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn tăng cao, nhất là các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất khẩu của nước ta tăng trưởng mạnh. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Hơn nữa, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do số ca nhiễm
Covid-19 trong nước và một số thị trường gia tăng. Hiện trong nước, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Thêm vào đó, một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg gây ra gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao đã, đang và sẽ là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay. Đơn cử, 7 tháng qua, thiếu container vận chuyển, giá cước vận tải nội địa cao trong bối cảnh dịch lan rộng đã khiến xuất khẩu gạo giảm 0,6% chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bị tạm ngưng hoạt động đã dấy lên lo ngại xuất khẩu gạo sẽ mất thị trường nếu tình hình không sớm được cải thiện.

Thậm chí, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may, da giày… trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu để “cứu nguy” cho doanh nghiệp là cần ưu tiên vay vốn, khơi thông dòng chảy phân phối để giúp họ tiếp tục bám trụ sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Song song với đó, Chính phủ cần nhanh chóng tiêm vắc-xin cho lao động ngành logistics, bến cảng... để không đứt gãy chuỗi cung ứng.

5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD


Trong 7 tháng có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% là: điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%; hàng dệt và may mặc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, tăng 27,7%.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam