Ngành Nông nghiệp đề xuất cho thu mua dự trữ lúa quốc gia

13:44 | 03/08/2021 Print
Hiện tại, giá lúa hè thu cũng đang giảm, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho thu mua dự trữ lúa quốc gia để kích cầu, động viên nông dân tiếp tục sản xuất.

Sáng 3/8/2021, tại cuộc họp trực tuyến về công tác sản xuất, kết nối cung ứng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác 970 đề xuất cho phép thu mua dự trữ lúa hè thu để nông dân yên tâm sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện vụ hè thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, trong khi do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân công để thu hoạch bị hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá nông dân.

Hiện tại, giá lúa hè thu cũng đang giảm, do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho thu mua dự trữ lúa quốc gia để kích cầu, động viên nông dân tiếp tục sản xuất.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong khi đang thu hoạch rộ vụ hè thu, một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ thu đông nhưng do giá lúa giảm, thu hoạch, chế biến khó khăn nên một số nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ này.

"Lượng lúa hè thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua dự trữ lúa hè thu. Khi đó, thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa thu đông" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay xuất khẩu gạo đang khó khăn do Covid-19, bên cạnh đó chi phí vật tư đầu vào, vận chuyển, nhân lực... cũng đang gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, trên tinh thần tương trợ, lực lượng vũ trang sẽ hỗ trợ nông dân thu hoạch vụ hè thu an toàn.

Hiện nguồn cung lúa gạo đang rất dồi dào, đặc biệt là sản lượng vụ hè thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, do đó, cần thiết phải thu mua lúa hè thu để kích cầu sản xuất vụ thu đông, vụ đông xuân để đảm bảo tăng trưởng ngành.

Trước tình trạng nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg nên gặp khó khăn về nhân lực thu hoạch lúa, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các sở đề xuất với các tỉnh, thành phố nên thành lập các tổ máy gặt liên hợp. Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Sở NN&PTNT các địa phương họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn nhằm bảo đảm thu mua cho nông dân. Các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích gieo trồng lúa năm 2021 khoảng 7.266 nghìn hecta, năng suất dự kiến 59,5 tạ/ha, sản lượng dự kiến khoảng 43,3 triệu tấn lúa, tăng 600 nghìn tấn so với năm 2020.

Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ hè thu 2021 là 1,599 triệu hecta; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so với hè thu 2020. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,515 triệu hecta, năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124 nghìn tấn.

Hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch được 600.000ha lúa hè thu, còn khoảng 900.000ha thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9. Trong 2 tháng này, là thời điểm có sản lượng lúa cao nhất, nếu không có giải pháp hỗ trợ, nông dân sẽ rất khó khăn.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần qua giảm nhẹ. Cụ thể, tại thành phố Cần Thơ, giá lúa giảm từ 100 - 200 đồng/kg như: Lúa jamine khô ở mức 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 4218 là 6.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Tại tỉnh Sóc Trăng, riêng OM6976 giảm 200 đồng/kg còn 6.950 đồng/kg còn các loại lúa khác như: RVT, OM4900, Đài thơm 8, ST24 giữ ổn định so với tuần trước. Tại An Giang, giá lúa tươi trên địa bàn giảm từ 100 - 300 đồng/kg như: IR50404 từ 4.800 - 5.200 đồng/kg, OM 5451 từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, OM18 từ 6.000 – 6.100 đồng/kg. Một số loại vẫn giữ ổn định như: lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.000 – 6.200 đồng/kg…

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam