Bất chấp dịch bệnh, sản xuất vẫn kiên cường tăng trưởng

12:12 | 02/08/2021 Print
Đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã tác động tiêu cực, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song, bất chấp khó khăn, sản xuất vẫn kiên cường duy trì mức tăng trưởng ấn tượng.

sx

Sản xuất giày, dép da là điểm sáng trong bức tranh công nghiệp với mức tăng 19,3%. Ảnh: TL

Tăng trưởng cao so với cùng kỳ

Theo đánh giá của Bộ Công thương, do sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Điển hình như ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%...

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 7 tháng của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%...

Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy tín hiệu vui từ một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ đạo trong 7 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; điện thoại di động tăng 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; quần áo mặc thường tăng 9,5%...

Về tình hình tại các tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm trong tháng 7, Bộ Công thương cho biết thêm, dịch Covid-19 bùng phát mạnh cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại các địa phương này đã làm suy giảm chỉ số sản xuất tháng 7/2021 so với cùng kỳ. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%... Bên cạnh đó, Bắc Giang giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng khiêm tốn 1,1%... Riêng Hà Nội do mới bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7 nên chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều giải pháp trợ duy trì sản xuất

Hiện tại dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dự báo, trong thời gian tới, khó khăn, thách thức, rủi ro vẫn bủa vây, gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ rào cản trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất được thông suốt, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, hỗ trợ và đôn đốc các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhất là trên nền tảng số để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

Song song với đó, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để thúc đẩy xuất khẩu và thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây tứ bề, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, điều kiện đầu tư kinh doanh thừa nhằm giảm thời gian, chi phí, công sức cho doanh nghiệp.

Bộ Công thương cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời cho nền sản xuất trong nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh. Theo dõi giá dầu thế giới để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp nhằm giảm thiểu sự tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.../.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam