Sức ép lạm phát đang gia tăng

19:17 | 01/08/2021 Print
Mặc dù đến thời điểm hiện nay, lạm phát của Việt Nam vẫn thấp, nhưng theo nhiều chuyên gia, từ nay đến cuối năm và đầu năm sau, sức ép lạm phát đang gia tăng. Từ giá sản xuất chuyển sang giá tiêu dùng, sức ép lạm phát là một thách thức không nhỏ của ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam.

sieu thi

Giá cả tiêu dùng được dự kiến sẽ tăng từ 3-4% trong năm 2021. Ảnh: LV

Sức ép lạm phát giá cả tiêu dùng luôn thường trực

Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá khá tích cực. Theo PGS. TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), các chỉ số tài chính, giá cả của nền kinh tế bao gồm lạm phát, tỷ giá, lãi suất nhìn chung không có gì đột biến nhiều trong năm 2020 cũng như 6 tháng đầu năm 2021, lạm phát nhìn chung ở mức thấp.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, sức ép lạm phát đang có sự gia tăng, đặc biệt là trong một vài tháng vừa qua. Đó chính là hậu quả của sự gia tăng mạnh giá cả sản xuất trong cả năm 2020. Sự gia tăng giá cả sản xuất sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng, đặc biệt là khi thị trường tiêu dùng được hồi phục. Tiếp đó là, chi phí sản xuất liên quan đến sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng của các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các biện pháp thái quá ở các địa phương đang khiến cho chi phí của doanh nghiệp đang tăng nhanh cũng có thể chuyển vào giá tiêu dùng theo thời gian.

Mặt khác, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ cũng gây ra các hiệu ứng phụ khác, đó là lạm phát giá tài sản, giá bất động sản, chứng khoán tăng rất mạnh trong thời gian qua.

Một yếu tố khác có thể làm tăng sức ép lạm phát trong thời gian từ nay tới cuối năm cũng như đầu năm sau là sự hồi phục của nhu cầu. Có nhiều yếu tố khiến giá cả tiêu dùng có thể tăng nhanh hơn trong năm 2021. Thứ nhất, sự hồi phục ít nhiều của nền kinh tế thế giới sẽ khiến nhu cầu và giá các loại nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng và duy trì ở mức cao hơn so với mức trung bình của năm 2020. Thứ hai, sự lên giá của bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua có thể sẽ lan tỏa sang giá cả tiêu dùng, đặc biệt là sau thời kỳ bệnh dịch.

Khi bệnh dịch được khống chế, Việt Nam phổ biến được vắc-xin trên diện rộng thì khi đó nền kinh tế mở cửa trong nước với bên ngoài, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Với nền tảng chi phí sản xuất tăng mạnh trong những tháng vừa qua cùng cầu tiêu dùng mạnh mẽ sau một thời gian dài bị phong tỏa có thể khiến giá tiêu dùng tăng mạnh trong những tháng cuối năm và năm sau.

Ngoài ra, sau khi trì hoãn trong năm nay, lộ trình tăng giá đối một số mặt hàng thuộc diện quản lý của Nhà được dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới, góp phần làm gia tăng lạm phát. Nếu không có bất thường về thiên tai trong nông nghiệp, giá cả tiêu dùng được dự kiến sẽ tăng từ 3 - 4% trong năm 2021.

Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền mạnh cũng là một nguyên nhân gây sức ép lên lạm phát. Trong khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng cung tiền và tín dụng ở Việt Nam còn rất cao so với các nước trong khu vực cũng như so với tăng trưởng của nền kinh tế thực. Điều này khiến cho sức ép lạm phát giá cả tiêu dùng cũng như giá tài sản luôn thường trực trong nền kinh tế.

Ảnh hưởng từ các gói kích cầu từ các đối tác lớn

Phân tích về ảnh hưởng của các gói kích thích kinh tế mà các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đối tác lớn của Việt Nam đã và đang áp dụng để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, các gói này dù ít hay nhiều đều tạo áp lực lạm phát cho Việt Nam.

Theo ông, các nước thay đổi rất nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ với những gói hỗ trợ, nới lỏng khổng lồ tương đương với khoảng 15,5% GDP toàn cầu năm 2020. Riêng Mỹ, các gói hỗ trợ đã tung ra chiếm 28% GDP của nước này trong năm 2020. Chính những điều này đã tạo ra dòng tiền rẻ, tạo ra hiện tượng bong bóng tài sản, áp lực lạm phát lên kinh tế Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, các gói kích thích kinh tế của các đối tác lớn của Việt Nam như gói 1.900 tỷ USD của Hoa Kỳ, gói 750 tỷ Euro của EU ảnh hưởng không hề nhỏ tới kinh tế Việt Nam.

Bởi vì, rõ ràng nó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu, tới phục hồi cầu nhập khẩu và thậm chí nó ảnh hưởng tới triển vọng của kinh tế thế giới, từ đó ảnh hưởng tới Việt Nam. Ngoài ra, có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hay EU, Nhật.

TS. Trần Toàn Thắng cho biết, mặc dù các gói kích thích của các nước đối tác này của Việt Nam diễn ra trong năm 2020 và đầu năm 2021 nhưng tác động kéo dài có thể tới 2024, tùy vào cách tiếp cận của các gói đó hỗ trợ doanh nghiệp hay kích cầu tiêu dùng… Mỗi một gói có ảnh hưởng khác nhau và có thể ảnh hưởng từ 0,75 - 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022.

Cũng theo ông phân tích, cầu phục hồi nhanh hơn cung tạo ra sức ép tạo lạm phát, cộng với ảnh hưởng dài hạn của sự tăng giá những mặt hàng cơ bản như mặt hàng kim loại, năng lượng có những ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số lạm phát của Việt Nam.

“Theo tính toán của chúng tôi, ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam là không nhỏ. Mặc dù đến thời điểm hiện nay thì lạm phát của Việt Nam vẫn thấp, nhưng điều đó không đảm bảo được rằng, lạm phát cuối năm giữ được mức độ thấp và chắc chắc nó sẽ tăng. Từ giá sản xuất chuyển sang giá tiêu dùng, sức ép lạm phát là một thách thức không nhỏ của ổn định kinh tế vĩ mô gắn với câu chuyện của Việt Nam.” - TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam