Hà Nội: Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào phục vụ người dân thực hiện Chỉ thị 16

15:08 | 31/07/2021 Print
Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nguồn cung hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn dồi dào. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid- 19 trên địa bàn với các tỉnh lân cận.

Hà Nội

Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lượng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội dồi dào. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp trực tuyến với UBND TP.Hà Nội nhằm nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm trong điều kiện Covid-19.

616 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản

Tại đầu cầu Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố, Sở NN&PTNT đã tổng hợp danh sách 616 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sảntừ các tỉnh thuộc chuỗi cung ứng 21 tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng cho thị trường Hà Nội để Sở Công thương Hà Nội cung cấp cho các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa trong trường hợp cần thiết.

Hiện nay, TP. Hà Nội có 29 trung tâm thương mại; 127 siêu thị, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...

Ngoài ra, thành phố còn có các kênh tiêu thụ, phân phối qua hệ thống các chợ đầu mối, sau đó phân phối tới các chợ dân sinh, các cửa hàng kinh doanh và các bếp ăn tập thể; tiêu thụ qua các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản...

"Nhìn chung, tình hình đến nay tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, ngoại trừ một số kênh tiêu thụ như trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống… do phải nghỉ hoặc hạn chế hoạt động do tình hình Covid-19 nên cũng ảnh hưởng một phần đến các cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm." - ông Sơn nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn, Hà Nội đã triển khai 2 nguồn cung. Nguồn cung thứ nhất là cố gắng đảm bảo tự cung tự cấp ở mức độ cao nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở NN&PTNT Hà Nội đã rà soát những vùng trồng để có cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu trong thời gian dịch bệnh diễn ra tại thành phố. Nguồn cung thứ hai, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo hệ thống phân phối tiếp tục giữ ổn định những đầu mối, nguồn cung cấp từ các tỉnh đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội.

Thành phố đang thực hiện 2 chương trình là “Phương án dự trữ hàng hóa phòng chống dịch” và “Bình ổn thị trường”, qua đó các hệ thống phân phối sẽ dự trữ hàng hóa và đảm bảo điều tiết cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh, thành phố

Tuy nhiên, TP.Hà Nội đánh giá, hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội....

Để đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm cũng như chủ động nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.

Theo đó, tăng cường hợp tác, kết nối các sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành phố; tập trung phối hợp tiêu thụ rau, củ quả với 8 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn... trong việc thông tin vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Sở Công thương Hà Nội triển khai đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án đảm bảo nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh như tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng: trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...

Đặc biệt, thành phố sẽ duy trì 113 kho lạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Đây là những kho hàng giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tích trữ hàng hóa đảm bảo phân phối và lưu thông hàng hóa.

TP.Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất các loại nông, lâm, thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản; cung cấp thông tin cho ngành Công thương về nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để tăng cường kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, ban hành hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thống nhất UBND các tỉnh, thành phố cách thức lưu thông, thực hiện cấp nhanh nhất các mã Qrcode cho các xe vận tải khi thực hiện giãn cách xã hội đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu đã dược quy định tại văn bản số 4481/BCT-TTTN ngày 27/7/2021 của Bộ Công thương công bố Danh mục hàng hóa thiết yếu trong đó có bao gồm nhóm thực phẩm và nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam