Đại dịch covid-19 khiến nợ công nhiều nước châu Âu tăng cao kỷ lục

20:01 | 09/04/2021 Print
Covid-19 khiến hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, mức thu ngân sách giảm trong khi phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với giá trị lớn là nguyên nhân khiến nợ công của nhiều nước châu Âu tăng cao.

Tại Pháp

Theo Văn phòng thống kê của Pháp (INSEE), nợ công của quốc gia này đã tăng từ mức 2.437,9 tỷ EUR trong quý 1/2020 lên mức 2.650,1 tỷ EUR trong quý 4/2020; như vậy nợ Chính phủ của Pháp đã tăng từ mức 97,6% GDP năm 2019 lên mức 115,7% GDP năm 2020.

Đây là mức cao nhất kể từ năm 1949 do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Ngân sách của Chính phủ đã thâm hụt xuống mức 9,2% GDP năm 2020, tăng mạnh so với mức thâm hụt 3,1% GDP của năm 2019. Nguyên nhân chính là do Chính phủ nước này đã tăng chi cho nền kinh tế nhằm khắc phục những thiệt hại cho Covid-19 gây ra.

Cụ thể, ngày 17/03/2020, Chính phủ Pháp thông báo thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 45 tỷ EUR (khoảng 50 tỷ USD) nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, người dân và các lĩnh vực khác gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ người cho vay, tăng chi cho các hoạt động an sinh xã hội, hô trợ kinh doanh cho người dân nếu các cửa hàng bị đóng cửa…

no cong
Dịch covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế các nước châu Âu. Ảnh: TL

Tại Italy

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat), tổng nợ công của nước này đã tăng từ mức 2.410 tỷ EUR trong năm 2019 lên mức 2.570 tỷ EUR năm 2020; nợ Chính phủ/tổng sản phẩm quốc nội của Italy đã tăng từ 134,8% GDP trong năm 2019 lên mức 155,6% GDP trong năm 2020; như vậy, nợ Chính phủ/tổng sản phẩm quốc nội của Italy đã tăng 20,8 điểm phần trăm – mức tăng cao này chủ yếu do các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh tác động nền kinh tế.

Cũng theo Istat, ngân sách của quốc gia này đã thâm hụt ở mức 9,5% GDP trong năm 2020, tăng mạnh so với mức thâm hụt 1,6% GDP trong năm 2019.

Đây là mức thâm hụt cao nhất ít nhất kể từ năm 1995 trong bối cảnh nỗ lực hạn chế sự lây lan của COVID-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ví như gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỷ EUR nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 được thông qua ngày 30/11/2020, hay gói chi trị giá 25 tỷ EUR (tương đương khoảng 28 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho hệ thống y tế, các doanh nghiệp và người dân nhằm chống lại tác động kinh tế của dịch bệnh tồi tệ nhất châu Âu được phê duyệt vào ngày 16/3/2020.

Cơ quan thống kê nước này cũng dự báo mức thâm hụt trong năm 2021 sẽ là 8,8% GDP.

Tại Tây Ban Nha

Theo Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, nợ công của nước này đã tăng từ mức 1.144 tỷ EUR trong năm 2019 lên mức 1.310 tỷ EUR năm 2020, tương đương 120% GDP, tăng mạnh so với mức 95,5% GDP trong năm 2019.

Sở dĩ nợ công của Tây Ban Nha tăng cao là do Chính phủ tăng chi tiêu để giải quyết những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, ví dụ gói chi 140 tỷ EUR (162 tỷ USD) từ gói viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) để định hình lại nền kinh tế, với mục tiêu tạo ra 800.000 việc làm trong vòng ba năm tới được công bố vào ngày 7/10/2020. Hay trước đó, ngày 17/3/2020, Thủ tướng nước này đã công bố gói biện pháp tài chính trị giá 200 tỷ EUR (tương đương khoảng 219 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức bị tác động bởi dịch Covid-19, trong đó bao gồm các khoản vay, viện trợ, đảm bảo tín dụng, trợ cấp cho người lao động tạm thời nghỉ làm việc,…

Tại Anh

Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), nợ công của nước này đã tăng từ mức 1.624,9 tỷ GBP trong tháng 01/2020 lên mức 2.131,1 tỷ GBP trong tháng 12/2020.

Đây là mức tăng mạnh, kéo theo tổng nợ công của nước này năm 2020 tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, trong bối cảnh Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế bị suy giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19.

Chẳng hạn như ngày 11/03/2020, Chính phủ Anh công bố thực hiện gói chi tiêu trị giá 39 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ dịch vụ y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, trong đó Chính phủ thành lập một quỹ khó khăn trị giá 500 triệu GBP cho chính quyền địa phương để giúp đỡ những người không thể làm việc,… Tiếp đó, ngày 17/03/2020, Chính phủ nước này công bố gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp trị giá 350 tỷ GBP (tương đương với 424 tỷ USD), trong đó 330 tỷ bảng cho vay đảm bảo cho các doanh nghiệp và 20 tỷ bảng cắt giảm thuế cho các công ty gặp khó khăn.

Do đó, ngân sách của Chính phủ đã thâm hụt lên mức 355 tỷ GBP, tương đương với 16,9% GDP trong năm tài khóa 2020 – 2021, tăng mạnh so với mức thâm hụt 2,6% GDP của năm tài khóa 2019 – 2020.

Cũng theo ONS, vay nợ của Chính phủ Anh dự kiến sẽ giảm xuống 10,3% GDP vào năm tài khóa 2021-2022 và 4,5% GDP vào năm tài khóa 2022-2023.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam