Nông nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng tốt hơn

14:29 | 24/05/2017 Print
Mục tiêu năm 2017 ngành Nông nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng đã đề xuất với Chính phủ là 2,5-3%, xuất khẩu có thể tiếp tục duy trì từ 33-35 tỷ USD, đặc biệt phải thu hút doanh nghiệp, xây dựng được chuỗi giá trị, tăng quy mô sản xuất để đưa nông nghiệp Việt Nam lên một đẳng cấp mới.

Nhận định này được TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đưa ra khi trao đổi với PV TBTCVN tại Hội nghị Triển vọng ngành Nông nghiệp Việt Nam 2017 với 3 chủ đề chính: Lúa gạo, Thủy sản và Rau quả, do IPSARD tổ chức ngày 24/5/2017.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Theo số liệu thống kê mới nhất, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong quý I năm 2017 đạt mức 2,43%. Đây là một trong những mức kỷ lục so với các quý cùng kỳ từ năm 2011 đến nay. Với đà tăng trưởng này, cùng với xu hướng nguồn cung dồi dào trong sản xuất và xu hướng thị trường phát triển, năm nay ngành Nông nghiệp có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trước Quốc hội và Chính phủ là từ 2,5%-3%.

Cùng với đó, hiện tại ngành Nông nghiệp cũng đã dần chuyển đổi được cấu trúc sản xuất và thích nghi với những bất thường về thiên tai; tăng trưởng khớp với sản xuất và nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới nguồn cung trên toàn cầu và nhu cầu trên thế giới vẫn ổn định, điều này dẫn đến xu hướng giá sản phẩm nông nghiệp có thể ổn định hoặc suy giảm nhẹ chứ không tăng mạnh, đặc biệt đối với mặt hàng truyền thống như sản phẩm lương thực, sản phẩm thô và thậm chí sản phẩm có giá trị cao như chăn nuôi và thủy sản…

Điều đó có ngụ ý cho câu chuyện phát triển thị trường, hoạch định về cơ cấu sản xuất mà chúng ta phải lưu ý. Đó là cơ cấu sản xuất, những nhóm sản phẩm tiềm năng như trái cây, cây công nghiệp có tiềm năng sẽ có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới hoặc những sản phẩm qua chế biến.

Ông Tuấn Anh

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

PV: Ông có dự đoán gì về thị trường ngành Nông nghiệp 6 tháng cuối năm?

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Với sự vào cuộc của các cấp ngành, đặc biệt sự vào cuộc của các DN trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ đi theo hướng bài bản hơn từ sản xuất, đảm bảo chất lượng, kết nối thị trường… và có những ngành trong năm nay có thể có xu hướng tăng trưởng tốt hơn như ngành trái cây, thủy sản, lúa gạo. Đây là những ngành còn nhiều tiềm năng, dư địa và có nhiều thị trường để có thể hấp thu lượng cung đưa ra.

PV: Vì sao ngành Nông nghiệp lựa chọn 3 ngành hàng lúa gạo, thủy sản, trái cây là ngành hàng chủ lực, triển vọng trong năm nay, thưa ông?

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Năm nay, chúng tôi chủ trương chọn một ngành có vai trò quan trọng của nền Nông nghiệp Việt Nam là ngành gạo làm ngành hàng quan trọng để phát triển, bởi ngành hàng hàng này liên quan đến phần lớn những người nông dân Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành gạo vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông lâm ngư nghiệp nói chung. Hiện ngành gạo đang có những bước chuyển rất mạnh và chúng tôi rất muốn đưa ra để bàn bạc, thảo luận các giải pháp để đưa ngành gạo Việt Nam lên đẳng cấp mới.

Song song đó, chúng tôi chọn ngành có tiềm năng tăng trưởng rất mạnh về thị trường và khả năng cung ứng lớn của Việt Nam là trái cây và thủy sản. Ngành thủy sản đã có từ lâu nhưng trái cây là ngành mới nổi, phải bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để định vị những ngành hàng có lợi thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

PV: Một trong những định hướng của ngành Nông nghiệp là thu hút DN tham gia mạnh mẽ hơn, đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài (FDI). Vậy đến thời điểm này chúng ta đã có những chính sách và kết quả gì, thưa ông?

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Theo số liệu mới nhất thì DN đầu tư vào ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Cuối năm 2016 có khoảng 4.300 DN, so với cuối năm 2015 đã tăng khoảng 400 DN; trong 4 tháng đầu năm 2017 có 588 DN mới tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Điều này chứng tỏ những chủ trương chính sách của Chính phủ đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Phía DN cũng bắt đầu thấy có những động lực, cơ hội, lợi ích khi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó thời gian qua, Nhà nước đã có một loạt chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp như Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tạo cơ hội cho DN tiếp cận vốn tín dụng và nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, gói tín dụng hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và bắt đầu đang trong quá trình triển khai. Các thông tư, quy định hướng dẫn về công nghệ cao và quy định của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ DN công nghệ cao đã có văn bản cụ thể và bắt đầu áp dụng vào thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo chiến lược bài bản để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, bao gồm DN FDI và DN trong nước, DN khởi nghiệp trong nội bộ ngành nông nghiệp để thổi bùng lên làn sóng đầu tư mới, biến họ không chỉ từ DN đơn lẻ mà thành lực lượng DN đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với thị trường trong nước, thế giới và ưu tiên gắn với hệ thống quản lý nhà nước và các hệ thống dịch vụ công…

PV: Thưa ông, thời gian qua có rất nhiều ngành hàng cần giải cứu. Vậy những định hướng của ngành Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự ổn định chưa?

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Định hướng thị trường là việc làm thường xuyên của ngành Nông nghiệp và có những ngành hàng đã từng được cảnh báo nhưng để biến thành hành động rất cần thời gian. Nhiều học giả hôm nay cũng cho rằng, vấn đề căn bản không phải là giải cứu mà căn bản là kéo được DN đầu tư vào chuỗi giá trị cụ thể thì chúng ta sẽ tránh được những cú giải cứu đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam