COVID-19 tới sáng 31/3: Trên 10.000 ca tử vong mới; lây nhiễm tăng trở lại tại Mỹ

07:19 | 31/03/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 10.000 ca tử vong mới và trên 500.000 ca nhiễm mới. Lây nhiễm tăng trở lại tại Mỹ trong khi Đức quyết định chỉ tiêm vaccine Astra cho người cao tuổi.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 31/3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 128,.761.547 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.814.383 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 514.454 và 10.201 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 102.893.250 người, 21.422.497 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.284 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (80.755 ca), Mỹ (58,291 ca) và Ấn Độ (53.076 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.378 ca), tiếp theo là Mỹ (815 ca) và Nga (409 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 31.092.451 triệu người, trong đó có 564.083 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 12.658.109 ca nhiễm, bao gồm 317.646 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 12.148.405 ca bệnh và 162.502 ca tử vong.

Mỹ: Lây nhiễm tăng trở lại

Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã duy trì ổn định trong vài tuần gần đây nhưng hiện đang gia tăng trở lại. Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 60.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 3% lên khoảng 1.000 ca/ngày. Trước tình hình này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky đã khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng trong nước. Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada và Mexico và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX để hỗ trợ tiêm chủng tại các nước đang phát triển. Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden đã đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ và đặt mục tiêu 90% số người trưởng thành ở nước này có đủ điều kiện tiêm chủng trước ngày 19/4. Với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ có thể sẽ sớm dư thừa vaccine. Hiện Mỹ đã tiêm 143 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm ở nhóm trên 65 tuổi đạt gần 50%.

Ecuador hạn chế đi lại, kinh doanh bia rượu

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã công bố một số biện pháp mới hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh rượu, bia để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 tới. Cụ thể, các phương tiện vận tải hạng nhẹ bị hạn chế di chuyển trên các tuyến đường. Hoạt động kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn trong những ngày nghỉ lễ nói trên sẽ bị cấm từ 18h.

Châu Âu - Đức chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi

Thủ tướng Đức Merkel ngày 30/3 khẳng định nước này sẽ theo khuyến cáo của Uỷ ban tiêm chủng, STIKO, chỉ tiêm vaccine COVID của AstraZeneca cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Những người dưới 60 tuổi có thể tự nguyện tiêm vaccine Astra sau khi được bác sĩ xem xét, cân nhắc rủi ro cá nhân.

Trong khi đó, dù đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19, một số thành phố của Đức vẫn chuẩn bị mở cửa trở lại.

Ở thành phố Tuebingen, cuộc sống dường như đã trở lại bình thường. Bất chấp các cuộc tranh luận vẫn diễn ra trên cả nước về việc có cần siết chặt các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thành phố Tuebingen thực hiện chiến lược riêng với việc thiết lập các trung tâm xét nghiệm COVID-19 miễn phí, cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính được phép ra ngoài ban ngày, có thể đi mua sắm, tới các điểm văn hóa hoặc ăn uống ngoài trời.

Ước tính, lực lượng chức năng Tuebingen đã thực hiện khoảng 50.000 xét nghiệm COVID-19 trong vòng 2 tuần. Để đảm bảo an toàn, người dân vẫn phải tuân thủ việc đeo khẩu trang và giãn cách khi đến các địa điểm công cộng.

Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Tuebingen, Đức ngày 17/2/2021.
Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Tuebingen, Đức ngày 17/2/2021.

Tương tự Tuebingen, thành phố Weimar, miền Trung nước Đức, cũng đã mở cửa các cửa hàng và viện bảo tàng đón khách là những người có kết quả xét nghiệm âm tính. Bang Saarland thậm chí còn mong muốn chấm dứt phong tỏa từ ngày 6/4 tới, thông qua việc kết hợp xét nghiệm kháng thể nhanh và các biện pháp đảm bảo yêu cầu y tế nhằm mở cửa rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và các quán ăn ngoài trời.

Nhiều thành phố cũng đang theo dõi chặt chẽ việc thực thi các biện pháp này, cũng như lên kế hoạch để áp dụng. Trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được cho là dễ lây lan hơn, xu hướng này cũng đã gây nhiều tranh cãi. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nhà lãnh đạo vùng thực thi các biện pháp phòng, chống dịch đã được nhất trí.

Anh ưu tiên tiêm cho toàn bộ người trưởng thành trước khi chia sẻ vaccine

Ngày 30/3, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho biết quốc gia này sẽ tập trung thực hiện mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho toàn bộ người trưởng thành trước khi cung cấp phần vaccine còn dư lại cho những quốc gia khác, kể cả nước láng giềng Ireland.

Với hơn 30 triệu người dân đã được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, Anh hiện là quốc gia dẫn đầu châu Âu trong triển khai chương trình tiêm phòng đại dịch, với mục tiêu là tới cuối tháng 7 sẽ hoàn tất tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành. Trong khi đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chậm chân hơn nhiều vì thiếu nguồn cung vaccine. Điều này cũng đã dẫn tới những mâu thuẫn giữa 2 bên về vấn đề nguồn cung vaccine.

Italy mở lại các trường học ở thủ đô

Trong khi đó, tại Italy, dù nhiều nơi vẫn đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế, song các trường học và viện bảo tàng ở vùng Lazio, ngoại ô thủ đô Rome đã mở cửa trở lại sau 2 tuần đóng cửa. Hiện khu vực này đã được xác định lại, chuyển từ "vùng đỏ" sang "vùng vàng" có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp hơn.

Nhà chức trách Italy đã áp đặt lệnh phong tỏa "vùng đỏ" vào cuối tuần, bắt đầu từ ngày 3/4 tới nhằm hạn chế số ca nhiễm mới.

Israel mở lại biên giới với Ai Cập

Israel đã mở lại cửa khẩu Taba với Ai Cập và cho phép 300 người đến bán đảo Sinai để nghỉ lễ Quá Hải mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên Israel mở lại biên giới với Ai Cập kể từ tháng 3/2020 do lo ngại đại dịch COVID-19. Động thái này là bước đi mới nhất của Israel nhằm trở lại cuộc sống bình thường sau khi nước này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn một nửa trong số khoảng 9,3 triệu công dân của mình chống lại virus SARS-CoV-2.

Cyprus đón khách du lịch từ 1/4

Trong khi đó, CH Cyprus cũng thông báo kế hoạch mở cửa đón khách du lịch từ các thị trường lớn nhất của nước này. Theo đó, từ ngày 1/4, du khách từ 16 nước gồm Anh, Nga, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ukraine, Liban, Ai Cập, Belarus, Serbia, Mỹ và Qatar nhập cảnh Cyprus sẽ không cần xin cấp phép đặc biệt hoặc cách ly. Tuy nhiên, du khách khi làm thủ tục nhập cảnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện không quá 72 giờ trước đó và thực hiện một xét nghiệm khác.

Từ ngày 1/5, Cyprus sẽ cho phép các du khách Anh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được nhập cảnh mà không có quy định hạn chế nào. Tuy nhiên, tất cả du khách tới Cyprus phải tuân thủ các quy định y tế phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Thổ Nhĩ Kỳ: Ca nhiễm mới cao nhất từ đầu năm

Cũng trong ngày 30/3, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 32.404 ca nhiễm mới - số liệu thống kê theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này hiện là 3,24 triệu người, trong đó có 32.404 người đã tử vong. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công bố một loạt các biện pháp siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch khi số ca nhiễm mới gia tăng tại các thành phố. Cụ thể, trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt trong những ngày cuối tuần, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ theo hình thức bán mang về và giao đồ ăn tại nhà. Lệnh giới nghiêm từ 21h đến 5h sáng hôm sau sẽ được duy trì. Theo Tổng thống Erdogan, 84 triệu người dân nước này đang sống tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

Tổng thống Pakistan dương tính với SARS-CoV-2

Tổng thống Pakistan Arif Alvi cùng ngày cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, sau khi được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Pervez Khattak cũng cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Imran Khan cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Theo đó giới chức Pakistan kêu gọi người dân duy trì cảnh giác trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan.

Các nước châu Á tìm nguồn cung vaccine

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Athens, Hy Lạp ngày 11/3/2021.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Athens, Hy Lạp ngày 11/3/2021.

Một số nước châu Á đang tìm kiếm nguồn cung vaccine thay thế sau khi Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu vaccine do Viện Serum (SII) của nước này sản xuất, làm ảnh hưởng tới cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu (COVAX).

Lệnh cấm xuất khẩu trên đã làm nghiêm trọng thêm các vấn đề mà COVAX đang phải đối mặt như các sự cố liên quan đến sản xuất hay tình trạng thiếu ngân sách đóng góp từ các nước giàu. Động thái mới này khiến 64 nước nghèo phụ thuộc vào COVAX càng bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua tiêm vaccine toàn cầu, làm gia tăng sự bất công về vaccine và phức tạp hóa các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2, bao gồm các biến thể có khả năng lây lan nhanh.

Theo kế hoạch, Viện Serum phải giao 90 triệu liều vaccine cho COVAX trong tháng 3 và tháng 4 nhưng Ấn Độ đã tạm dừng các hoạt động xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu trong nước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng.

Tổng thống Duterte: Philippines gần như "trở về 0"

Ngày 30/3, Philippines ghi nhận 9.296 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 741.181 trường hợp.

Trước tình hình dịch lây lan nguy hiểm, Bộ Y tế Philippines đã khuyến nghị mở rộng việc thực hiện kiểm dịch cộng đồng tăng cường ở Vùng Thủ đô Manila và các tỉnh xung quanh (viết tắt là NCR +) trong một tuần nữa.

Tổng thống Rodrigo Duterte thông báo các tỉnh nằm ngoài khu vực "bong bóng NCR+" ở nước này sẽ trở lại trạng thái kiểm dịch chặt chẽ hơn vào tháng 4 khi ông thừa nhận rằng Philippines gần như "trở về con số không" trong ứng phó với đại dịch.

Vào tối 29/3, ông Duterte cũng thông báo sẽ cho phép các công ty tư nhân tự nhập khẩu vaccine COVID-19 nhưng các đòi hỏi hiện tại để tham gia các thoả thuận ba bên với chính phủ sẽ tiếp tục làm chậm quá trình mua đủ số liều vaccine cần thiết.

Nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, từ ngày 29/3, vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh phụ cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa. Hơn 24 triệu người sống tại vùng thủ đô phải ở trong nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h đến 5h sáng hôm sau và giảm tối đa hoạt động giao thông công cộng. Chỉ các siêu thị, cửa hàng thuốc và cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động.

Campuchia: Số ca mắc mới lại tăng lên ba chữ số

Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30/3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh.

Bộ Y tế Campuchia cho biết trong 105 ca mới phát hiện có một ca nhập cảnh, còn lại 104 ca lây nhiễm cộng đồng từ “sự cố ngày 20/2”. Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca). Hôm nay có 4 người khỏi bệnh.

Như vậy tính đến sáng 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.378 ca mắc COVID-19, trong đó 11 người đã tử vong.

Hôm 29/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã công bố kế hoạch phân bổ một triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 500.000 người trong tháng tới. Mục tiêu mà Chính phủ Campuchia hướng tới là tiêm phòng COVID-19 cho một triệu người mỗi tháng và ông Hun Sen đề nghị các quan chức chính phủ tích cực làm việc để hoàn thành mục tiêu này.

Malaysia cho phép bệnh viện tư nhân tự đàm phán mua vaccine COVID-19

Chính phủ Malaysia thông báo sẽ cho phép các cơ sở y tế tư nhân tự đàm phán mua vaccine COVID-19 riêng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối chương trình tiêm chủng của đất nước, ông Khairy Jamaluddin, cảnh báo rằng đợt triển khai vaccine của khu vực tư nhân - cho phép các cá nhân tự trả tiền để được tiêm chủng COVID-19- có thể chỉ diễn ra trong nửa cuối năm của năm 2021. Ông Khairy cho biết ông sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các bệnh viện tư nhân về việc cho phép họ mua vaccine, nhằm thực hiện một chương trình tiêm chủng song song cùng với chương trình tiêm chủng miễn phí của chính phủ, giúp đất nước nhan chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Ông Khairy nói rằng việc sẵn sàng trả tiền cho các loại vaccine thông qua các bệnh viện tư nhân sẽ không đảm bảo cho các cá nhân được tiêm chủng sớm. Chính phủ Malaysia đã mua sắm đủ vaccine cho toàn bộ dân số nước này và đặt mục tiêu tiêm chủng sớm nhất cho 80% người dân vào cuối năm nay.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam