Diễn biến COVID-19 tới sáng 28/3: Thế giới vượt 127 triệu ca mắc; Đã tiêm hơn 510 triệu liều vaccine

06:26 | 28/03/2021 Print
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 556.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 127 triệu ca, trong đó trên 2,78 triệu ca tử vong.

tiêm phòng

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Brasilia, Brazil ngày 22/3/2021.

3 quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (83.039 ca), Ấn Độ (62.631 ca) và Mỹ (trên 59.200 ca).

3 quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (3.224 ca), Mỹ (744 ca) và Mexico (651 ca).

Như vậy, trong những ngày qua, Brazil liên tiếp đứng đầu thế giới về cả số ca mắc và tử vong vì COVID-19 hàng ngày. Brazil là nước thứ hai có trên 300.000 ca tử vong từ đầu dịch tới nay.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các nước đều đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine COVID-19. Trên thế giới, tổng cộng hơn 510 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/3 tiếp tục kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ vaccine để giúp đỡ các nước nghèo khó triển khai tiêm chủng trong bối cảnh khoảng cách về tiếp cận vaccine giữa các quốc gia vẫn còn quá lớn.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, tới nay đại dịch COVID-19 đã khiến trên 2,7 triệu người tử vong. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành tại châu Âu và Mỹ Latinh, trong đó Brazil đã ghi nhận trên 300.000 ca tử vong và Mexico đã ghi nhận trên 200.000 ca.

Cụ thể, theo thống kê của hãng tin AFP của Pháp, tính đến ngày 26/3, thế giới đã tiêm tổng cộng 512,91 triệu liều, trong đó Mỹ tiêm 133 triệu liều (hơn 25%) và Ấn Độ là 91 triệu liều. Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, trong đó trên 500.000 ca đã được ghi nhận trên toàn thế giới chỉ riêng trong tuần qua. Tốc độ cung cấp vaccine cho Brazil sẽ không đủ nhanh để quốc gia này có thể tránh hậu quả nặng nề của đợt dịch bệnh đang bùng phát. Tới nay, Brazil ghi nhận tổng cộng hơn 300.000 ca tử vong, trong số 12 triệu ca bệnh. Trong khi đó, Mexico cũng đang trải qua giai đoạn tồi tệ của làn sóng dịch bệnh thứ 3 khi mới chỉ có một phần nhỏ dân số nước này được tiêm chủng. Quan chức cấp cao WHO, bà Maria Van Kerkhove đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn cấp bách.

tiêm2
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Montigny-le-Tilleul, gần Charleroi, Bỉ, ngày 7/1/2021.

Thực tế trên phần nào phản ánh tình trạng triển khai tiêm chủng vaccine không đồng đều. Nhìn chung, các nước nghèo đang tụt lại khá xa so với các quốc gia giàu có trong việc triển khai tiêm vaccine. Để cải thiện tình hình, WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có san sẻ vaccine để tất cả các nước đều có thể triển khai tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định việc quyên góp được 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp khoảng 20 quốc gia có thể khởi động tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người cao tuổi trong vòng 2 tuần tới.

Cũng trong ngày 26/3, Liên hợp quốc thông báo khoảng 180 quốc gia trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc đã cam kết đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng. Tuyên bố chính trị, có chữ ký của đại diện 180 quốc gia tính đến ngày 26/3, có đoạn nêu rõ dù đã có những thỏa thuận, những sáng kiến quốc tế và cả những tuyên bố chung, việc phân phối vaccine vẫn diễn ra không đồng đều, dù giữa các quốc gia hay trong mỗi quốc gia. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước chưa có vaccine, thế giới cần đoàn kết và phối hợp đa phương để tăng cường sản xuất và phân phối vaccine, trên các cấp độ khu vực và toàn cầu. Tuyên bố cũng khuyến khích các quốc gia có điều kiện chia sẻ vaccine cho các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp cũng như các quốc gia cần giúp đỡ. Tuyên bố cũng khẳng định sáng kiến COVAX do Liên hợp quốc dẫn dắt là một cơ chế hợp lý nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine.

Thủ đô Nhật Bản có số ca mắc mới cao nhất 1 tháng qua

nhật bản
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/3/2021.

Ngày 27/3, thủ đô Tokyo đã ghi nhận 430 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 18/2, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 119.661 ca. Số ca mắc mới gia tăng trong bối cảnh nhiều người dân bắt đầu đi ra ngoài sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ chưa đầy 1 tuần trước và hiện là thời điểm đẹp nhất để đi ngắm hoa anh đào.

Cùng ngày, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã quyết định giảm mạnh số lượng quan chức tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ban điều hành IOC đã quyết định chỉ cho phép những người "có vai trò thiết yếu và quan trọng" tham dự các thế vận hội này. Theo IOC, quyết định trên phù hợp với yêu cầu của các nhà tổ chức Olympic Nhật Bản là sẽ giảm số lượng quan chức thuộc các tổ chức thể thao, các vận động viên huyền thoại Olympic và các vị khách đi kèm.

Liban áp đặt lệnh giới nghiêm trong dịp lễ Phục sinh

Giới chức Liban ngày 27/3 thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm quanh thời điểm diễn ra lễ Phục sinh trong tháng 4 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ ngày 3 - 6/4 và trong thời gian này, người dân Liban không được tụ tập ở nhà hay trong những không gian kín.

Hồi tháng 1 vừa qua, số ca mắc COVID-19 ở Liban đã tăng vọt sau khi giới chức nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế vào kỳ nghỉ lễ cuối năm, theo đó cho phép các nhà hàng và câu lạc bộ ban đêm mở cửa đến 3h sáng, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia y tế. Dịch bệnh tăng mạnh đã khiến các bệnh viện bị quá tải và buộc giới chức nước này phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Dù Liban chỉ có 6 triệu dân nhưng đến nay đã có trên 455.300 ca mắc COVID-19, khiến trên 6.000 người tử vong.

Italy lên kế hoạch nới lỏng hạn chế ở khu vực thủ đô Rome

Chính phủ Italy thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại các trường học và nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt trước đó nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19 tại Rome và khu vực lân cận. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh sắp tới.

Theo nguồn tin trên, các lớp học từ lớp 6 trở xuống sẽ được phép mở cửa trở lại trên toàn quốc, ngay cả ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao hơn được phân loại là vùng "đỏ" theo những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Italy đã đóng cửa hầu hết các trường học từ ngày 15/3 vừa qua, sau khi chính phủ ban hành lệnh đóng cửa một phần nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết ông sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đang được áp đặt tại khu vực Lazio, trong đó có thủ đô Rome, đưa vùng này từ mức "đỏ" xuống mức "da cam", từ ngày 30/3 tới. Theo đó, học sinh lên đến lớp 8 sẽ học trực tiếp và nới lỏng quy định người dân phải ở nhà. Ở mức "da cam", người dân cũng được tự do đi lại hơn nhưng chỉ trong phạm vi thành phố sinh sống, trong khi các quán bar, nhà hàng và bảo tảng vẫn phải đóng cửa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Speranza cho biết sẽ đưa Tuscany, Calabria và Val d'Aosta lên mức cao hơn - mức "đỏ".

Trước khi các biện pháp hạn chế hiện nay, vốn thay đổi theo từng khu vực, hết hạn vào ngày 6/4 tới, cả nước Italy sẽ được coi là vùng "đỏ" vào thời gian cuối tuần từ ngày 3-5/4 tới, thời điểm diễn ra Lễ Phục sinh.

CH Séc gia hạn tình trạng khẩn cấp

Sau cuộc họp bất thường kéo dài, Hạ viện Séc đã nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3 đến ngày 1/4 để ứng phó với đại dịch COVID-19. Ban đầu Chính phủ Séc đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày, kể từ ngày 28/3, nhưng không được Hạ viện ủng hộ.

Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatný cho biết việc kéo dài tình trạng khẩn cấp là cần thiết để duy trì các biện pháp phòng chống dịch. Trong giai đoạn áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày trước đó tính từ ngày 27/2, Séc đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có việc hạn chế đi lại giữa các quận/huyện.

Đến nay, quốc gia Trung Âu này đã ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 trong tổng số 10,7 triệu dân. Trong số những người mắc bệnh, có trên 25.700 người không qua khỏi và hiện vẫn có trên 7.800 người đang phải nhập viện điều trị.

Dịch COVID-19 đẩy thêm hàng triệu người Peru vào cảnh đói nghèo

peru
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lima, Peru, ngày 15/4/2020

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến Peru có thêm 1,8 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm 2020, qua đó tỷ lệ nghèo đói tại quốc gia Nam Mỹ này vào năm ngoái đã lên tới 27,5% dân số, tăng gần 6% so với năm 2019.

IMF đánh giá tác động của dịch COVID-19 lên đời sống xã hội của người dân Peru có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu chính phủ nước này không thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những người thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Trong những tháng đầu năm 2021, Chính phủ Peru đã thực hiện khoản hỗ trợ trị giá 600 sol (khoảng 167 USD) dành cho người dân nghèo tại 10 tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng báo động gây ra từ đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại nước này.

Tuy nhiên, IMF cho rằng biện pháp cụ thể này sẽ chỉ giúp giảm khoảng 0,7% tỷ lệ nghèo đói hiện tại. Thiết chế tiền tệ này cũng nhấn mạnh, nếu không có những khoản hỗ trợ lớn hơn, hàng triệu hộ gia đình Peru sẽ tái nghèo.

IMF lưu ý Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 trên phương diện mất việc làm và thu nhập, trong đó phụ nữ và người lao động phi chính thức bị tác động nặng nề nhất.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam