Tăng trưởng ASEAN-5 giảm sâu trong lịch sử

15:26 | 26/03/2021 Print
Đại dịch Covid-19 là nhân tố chính làm suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm 2020, khu vực ASEAN-5 cũng không ngoại lệ. Đại dịch đã khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực được dự báo ở mức -3,7% , giảm mạnh so với mức 4,9% của năm 2019.

Các nền kinh tế hàng đầu ASEAN tăng trưởng âm trong năm 2020

Các nền kinh tế hàng đầu ASEAN tăng trưởng âm trong năm 2020

Tại Indonesia: tốc độ tăng trưởng (năm so với năm) giảm từ 2,97% trong quý 1/2020 xuống -5,32% trong quý 2/2020, sau đó tăng trưởng trở lại và đạt -3,49% trong quý 3/2020, tiếp tục tăng lên mức -2,07% trong quý 4/2020, thấp hơn kỳ vọng của thị trường ở mức -2,0%. Tăng trưởng của quý 4 có được chủ yếu do tiêu dùng tư nhân và đầu tư cho nhà xưởng giảm ít hơn so với quý 3, trong khi đó chi tiêu của Chính phủ tăng. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 ở mức -2,07% nhờ các biện pháp kích thích kinh tế đã làm giảm bớt tác động của đại dịch covid-19, nhưng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, giảm sâu so với mức tăng 5,02% của năm 2019.

Chỉ số PMI sản xuất có xu hướng giảm từ 49,3 điểm trong tháng 01/2020 xuống 27,5 điểm trong tháng 4 – mức thấp nhất trong lịch sử theo dõi chỉ số này do sản lương và đơn đặt hàng mới giảm mạnh, tuy nhiên chỉ số này tăng lên 28,6 điểm trong tháng 5 và 51,3 điểm trong tháng 12/2020. Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 121,7 điểm trong tháng 01/2020 xuống còn 77,8 điểm trong tháng 05/2020 và tăng lên 96,5 điểm trong tháng 12/2020; Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 104,8 điểm trong quý 1 xuống 102,9 điểm trong quý 2/2020 .

Tại Thái Lan: tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) giảm từ -2,1% trong quý 1/2020 xuống -12,1% trong quý 2/2020, sau đó tăng trưởng trở lại và đạt -6,4% trong quý 3/2020, -4,2% trong quý 4/2020. Mức tăng trưởng quý 4 có được là do sự cải thiện của cả nhu cầu toàn cầu và hoạt động trong nước (tiêu dùng tư nhân và chi tiêu của Chính phủ tăng, đầu tư cho nhà xưởng giảm ít hơn). Cả năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan suy giảm 6,1%. Đây là lần thứ ba nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á suy giảm trong thời gian gần đây. Nền kinh tế suy giảm 0,7% trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu và 7,6% vào năm 1998 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á.

Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 49,9 điểm trong tháng 01/2020 xuống 36,8 điểm trong tháng 4, đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu, nhưng chỉ số này có xu hướng tăng trở lại, đạt 41,6 điểm trong tháng 5 và tăng lên 50,8 điểm trong tháng 12. Chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm từ 48,5 điểm trong tháng 01/2020 xuống 32,6 điểm trong tháng 4; có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5 khi đạt 34,4 điểm và tăng lên 46,8 điểm trong tháng 12/2020. Chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng giảm từ 67,3 điểm trong tháng 01/2020 xuống còn 47,2 trong tháng 4; nhưng đã tăng lên 48,2 điểm trong tháng 5 và 50,1 điểm trong tháng 12/2020.

Tại Malaysia: tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) giảm từ 0,7% trong quý 1/2020 xuống mức -17,1% trong quý 2/2020 và -2,6% trong quý 3/2020, tiếp tục giảm xuống -3,4% trong quý 4/2020, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là giảm 3,1%, phản ánh tác động tiêu cực của các biện pháp được thực hiện cả trên toàn cầu và trong nước để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Cả tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư cố định đều giảm nhanh hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 ở mức -5,6% – mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, ngược lại so với mức tăng 4,3% của năm 2019. Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 48,8 điểm trong tháng 01/2020 xuống 31,3 điểm trong tháng 4; có xu hướng tăng lên 45,6 điểm trong tháng 5 và lên 49,1 điểm trong tháng 12. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 81 điểm trong quý 1/2020 xuống 60 điểm trong quý 2/2020; chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 51,1 điểm trong quý 1/2020 lên 90 điểm trong quý 2/2020.

Tại Philippines: tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) giảm từ -0,7% trong quý 1/2020 xuống -16,9 trong quý 2/2020 và -11,4% trong quý 3/2020, sau đấy nền kinh tế dần hồi phục và tăng lên mức -8,3% trong quý 4/2020. Tính chung cả năm 2020, kinh tế Philippines suy giảm 9,5% - mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được theo dõi từ năm 1946.

Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 52,1 điểm trong tháng 01/2020 xuống 31,6 điểm trong tháng 4; nhưng có xu hướng tăng trở lại lên 40,1 điểm trong tháng 5 và 49,2 điểm trong tháng 12. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 40,2 điểm trong quý 4/2019 xuống -5,3 điểm trong quý 3/2020, nhưng đã tăng lên 10,6 điểm trong quý 4/2020; chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng giảm từ 1,26 điểm trong quý 1/2020 xuống -54,5 điểm trong quý 3/2020, và tăng lên -47,9 điểm trong quý 4/2020.

Với những phục hồi tích cực kể từ quý 3 và đặc biệt là quý 4/2020, tin tưởng năm 2021 và thời gian tới bức tranh kinh tế của các nước trong khu vực ASEAN-5 sẽ bớt u ám hơn do cuộc đua vắc–xin và triển khai tiêm chủng tại một số quốc gia kể từ cuối năm 2020 cũng như sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu. IMF (tháng 01/2021), dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ tăng tốc và đạt mức 5,2% trong năm 2021 và 6,0% trong năm 2022./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam