Thoái vốn DNNN: Cắt lỗ ngay để tránh mất giá

11:30 | 30/08/2016 Print
8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 5.767 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ.

thoái vốn ngoài ngành

Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 5.767 tỷ đồng.

>> Thêm giải pháp mạnh tạo đột phá cho cổ phần hóa

Thoái vốn, thu về giá trị tăng gấp đôi

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2016, đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty.

Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 48 đơn vị là 23.019 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.092 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 342 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.103 tỷ đồng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 5.767 tỷ đồng.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Đồng thời, thoái 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.

Cùng thời điểm, SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 3.374 tỷ đồng.

Về cơ bản, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.

Công tác quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới, thể hiện qua các khâu quản trị về vật tư và tài chính; lao động dôi dư ở các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, giao, bán được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm; đổi mới quản trị về tổ chức, quản trị về khoa học công nghệ...

Tuy nhiên, do các đơn vị phải tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015; đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn 8 tháng qua còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngoài ra, do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ

Trong các tháng cuối năm 2016 và giai đoạn tới (2016-2020), theo Bộ Tài chính, quá trình tái cơ cấu DNNN cần thực hiện với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập. Thu gọn số lượng DNNN trong nền kinh tế, củng cố, nâng cao vai trò của các DNNN quan trọng, cần thiết và gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Để đạt được mục tiêu này, cần thiết phải ban hành tiêu chí phân loại DNNN cho phù hợp với giai đoạn tới (Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg). Cùng với đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành như cơ chế bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể DNNN, bổ sung quy định trình tự, thủ tục phá sản các doanh nghiệp lâm nghiệp, nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội; và các Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa...

Trên cơ sở các tiêu chí phân loại mới ban hành, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN, các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai.

Cũng theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam