Brexit sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

09:26 | 02/07/2016 Print
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Brexit trước mắt có thể chưa ảnh hưởng đến các hoạt động giao thương của doanh nghiệp với thị trường Anh hay EU, nhưng về tương lai sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

brexit

Brexit sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào? Ảnh: vcsc.com.vn

Sự kiện nước Anh rời EU (Brexit) là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nước tuy không có mối liên hệ nhiều với Anh như Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sau việc Anh rời EU, khả năng đồng Euro và bảng Anh mất giá sẽ gây bất lợi với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khối này. Brexit khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm và giảm lượng nhập khẩu vào EU. Nhiều ngành nghề có quan hệ thương mại và xuất khẩu lớn sang EU có thể sẽ chịu tác động như điện tử, dệt may, da giày, thủy sản…

Còn đối với ngành thép, thị trường của các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn là các nước trong khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc…, và gần như chưa tiếp cận và giao thương được với khối EU được nhiều, cả về mặt xuất khẩu hay nhập khẩu các sản phẩm về thép. Mỗi năm trung bình chỉ 1 đến 2% lượng xuất nhập khẩu vào thị trường EU. Do đó, việc Anh rời EU trước mắt chưa gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp ngành thép.

Tuy nhiên, trong tương lai, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại việc Trung Quốc sẽ có động thái phá giá đồng nhân dân tệ, sẽ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Do vậy, để ứng phó, doanh nghiệp chỉ còn cách tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Các biện pháp về phòng vệ, tự vệ chỉ là những biện pháp tạm thời trong bối cảnh cạnh tranh sâu rộng hiện nay.

Còn theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hiệp Long – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì tác động từ sự kiện Brexit không ít thì nhiều chắc chắn có ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường hàng hóa thì có thể không thấy rõ tác động, bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân thì lúc nào cũng vẫn vậy.

Theo ông Huỳnh Quang Anh, với diễn biến thị trường tài chính và niềm tin của các nhà đầu tư, nhất là khi đồng bảng Anh bị mất giá có thể sẽ khiến hàng hóa, đồ gỗ nhập khẩu vào Anh và các nước EU sẽ bị tăng giá cao hơn và như vậy sẽ bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam so với những mặt hàng cùng loại của các nước đối thủ cạnh tranh khác. Chưa kể tới, vấn đề tỷ giá khi thanh toán, trong trạng thái đồng tiền bản tệ bị mất tính ổn định.

Ông Phan Văn Hòa, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp chỉ mới có một số mặt hàng nông sản xuất sang châu Âu. Tình hình Brexit diễn ra và làm nóng các mặt báo gần đây nhưng doanh nghiệp cũng không nắm được nhiều thông tin.

Phía các cơ quan chức năng và ở địa phương cũng chưa có những cảnh báo này về vấn đề này để thông tin tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, Liên minh EU sẽ không vì sự ra đi của nước Anh mà ảnh hưởng tới sự ổn định chung và điều đó đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu hẳn nhiên sẽ ít bị tác động và ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng thực sự quan ngai về vấn đề biến động tỷ giá thanh toán, bởi hiện tại đồng bảng Anh đang giảm giá mạnh và chưa biết diễn biến trong thời gian tới sẽ ra sao sau phán quyết cuối cùng.

Doanh nghiệp cũng đang bắt đầu có những động thái nắm bắt và tìm hiểu phản hồi của các khách hàng đối tác, để chuẩn bị cho mình những phương án ứng phó kịp thời nếu thị trường xuất khẩu xảy ra biến động./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam