Báo chí và doanh nghiệp: Hợp tác bình đẳng cùng phát triển

17:11 | 09/10/2014 Print
Để cùng phát triển, báo chí và DN cần có sự chia sẻ, đồng cảm và tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong quan hệ báo chí với DN cần luôn khẳng định là quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng phát triển.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp – Doanh nhân” được tổ chức sáng nay, 9/10.

Báo chí có công "giúp" DN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, doanh nghiệp (DN) luôn cần đến báo chí để nắm bắt thông tin cũng như cơ hội để tồn tại và phát triển. Ngược lại, báo chí cũng cần đến DN để có nguồn tin đưa thông tin đến độc giả, thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo ông Huệ, cả hai lĩnh vực báo chí và DN đều có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Từ lâu, báo chí đã là chiếc cầu nối giữa DN và nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, qua đó, giúp nhà nước điều tiết chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN.

"Báo chí ngày càng bám sát sự vận động đời sống kinh tế - xã hội của đất nước với thông tin nhanh nhạy, đầy đủ. Báo chí không chỉ là cầu nối, mà còn là diễn đàn của nhân dân - doanh nhân", ông Huệ nhấn mạnh.

Ông Hà Minh Huệ
Ông Hà Minh Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục, các DN đang đứng trước nhiều khó khăn. Báo chí đã sát cánh, đồng hành, cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng DN.

Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) chia sẻ: Những người làm báo đã động viên và sát cánh với DN. Báo chí đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề bất cập và đề xuất các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động.

Vẫn tồn tại khoảng cách giữa báo chí và DN

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp, 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, hiện đội ngũ người làm báo được đánh giá là lớn nhanh và lớn mạnh hơn bao giờ hết với 17.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề.

Tuy nhiên, có một thực tế là tuy “lượng” tăng nhanh nhưng “chất” vẫn chưa tăng tương xứng. Nhiều DN phản ánh, những ấn phẩm báo chí trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán vẫn còn thiếu những thông tin độc quyền, có tính chuyên sâu...

Mặt khác, hoạt động báo chí còn lãng phí về nguồn lực, có nhiều tờ báo na ná nhau, từ tôn chỉ, mục đích đến nội dung. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh về thông tin, chưa được kiểm chứng vẫn đăng tải, nhiều tin bài sai sự thật, gây bức xúc trong xã hội.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, trong quan hệ và hợp tác giữa báo chí và DN vẫn tồn tại những khoảng cách khiến thông tin bị sai lệch, khiến hoạt động của DN không được thuận lợi, thậm chí là rơi vào tình trạng khủng hoảng.

"Để cùng phát triển, báo chí và DN cần có sự chia sẻ, đồng cảm và tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong quan hệ báo chí với DN cần luôn khẳng định là quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng phát triển”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh./.

Tuấn Linh

Tuấn Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam