Đầu tư vào dịch vụ cung cấp nước sạch, môi trường: Vì sao tư nhân chưa mặn mà?

11:28 | 12/12/2013 Print
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường rất lớn, đến năm 2020 cần khoảng 9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD).

Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công, nhất là dịch vụ nước và vệ sinh môi trường là một trong vấn đề được các đối tác phát triển Việt Nam quan tâm.

Mỗi năm cần 1,3 tỷ USD

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, khu vực tư nhân có thể đóng vai trò lớn hơn nữa trong cung cấp dịch vụ xã hội. Ngoài việc bổ sung cho nguồn lực công còn hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân cũng mang lại các lợi ích dễ thấy khác như khả năng cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nghèo, khả năng cung ứng bền vững, tăng cường mức độ tin cậy dịch vụ.

Theo ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong xu thế huy động nguồn vốn từ ODA sẽ khó khăn và giảm dần, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc tăng cường huy động các nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức quan trọng.

Ông Quang cũng cho biết, nhu cầu cho đầu tư phát triển lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường rất lớn, đến năm 2020 nhu cầu vốn khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng tương đương với 9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD).

nha may nuoc

Đầu tư cho các dự án nhà máy nước sạch đòi hỏi nguồn vốn lớn.Ảnh:baoxaydung

Mặc dù, chủ trương xã hội hóa đầu tư, khuyến khích các khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ngành cấp nước, vệ sinh môi trường đô thị được thể chế hóa trong các định hướng, chiến lược, quy hoạch của Chính phủ, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì khu vực kinh tế tư nhân tham gia lĩnh vực này chưa thật mặn mà.

Điều này thể hiện ở số lượng dự án chưa nhiều (có 14 dự án đã triển khai theo hình thức PPP, 13 dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu) và tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh (6/14 dự án tập trung ở TP.Hồ Chí Minh). Các dự án này triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, BOO, BT.

Chính sách chưa ổn định

Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên ông Cao Lại Quang cho rằng, tính hấp dẫn đầu tư trong các lĩnh vực này chưa cao vì thường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư phụ thuộc nhiều vào chính sách giá nước, hay phí xử lý nước thải.

Nhiều chính quyền địa phương chưa quan tâm, thực hiện theo các quy định hiện hành về ban hành giá nước và phí xử lý nước thải. Giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý và không được điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư còn tồn tại nhiều rủi ro do cơ chế quản lý đầu tư thiếu hướng dẫn cụ thể, thiếu các cam kết, hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều nhà đầu tư chưa hoàn toàn yên tâm, còn lưỡng lự, e ngại sự không ổn định của các cơ chế chính sách ưu đãi trong quá trình thực hiện dự án như: bảo lãnh vay vốn thị trường tiêu thụ nước sạch, cam kết giá nước...

Đại diện của của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá, khu vực tư nhân chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực cấp, thoát nước và vệ sinh đô thị là bởi, các quy định về sự sở hữu và điều kiện tài sản chưa đảm bảo; Trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng chưa rõ ràng.

Ngoài ra, tài khoản và thủ tục kế toán chưa thống nhất với các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; thiếu cam kết về trách nhiệm của các bên trong điều kiện rủi ro, bất khả kháng hay do các thay đồi về pháp lý, các nguồn lực thiếu bền vững.

Vì thế, để tăng tính hấp dẫn cho các dự án, cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi trong đó hoàn thiện khung thể chế có tính pháp lý chặt chẽ, đầy đủ và ổn định sẽ góp phần tăng tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch đem lại “hợp đồng hiệu quả” cho các mô hình hợp tác công tư PPP.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam