Ngân hàng đồng loạt hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trước đại dịch Covid-19

15:56 | 06/08/2021 Print
Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đang ứng biến linh hoạt trong việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đã phần nào chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự sản xuất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

anh moi

Ngân hàng HDbank đồng hành cùng doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh trong đại dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Đối tượng tiếp cận các gói hỗ trợ rất thấp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, triển khai nghị quyết 09 của HĐND thành phố (TP) về gói hỗ trợ an sinh xã hội, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã chi cho 5 đối tượng với hơn 387.000 tỷ đồng, bao gồm: Đối tượng lao động tự do, mất việc làm. Việc hỗ trợ cho đối tượng này đạt 99,9% số người đã được tiếp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đối tượng lao động tại các doanh nghiệp được tiếp cận các gói hỗ trợ rất thấp, đơn cử như lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thì gần như chưa tiếp cận được. Hiện nay theo thống kê trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đối tượng này có khoảng 18.981 người.

Tiếp đến là những đối tượng tạm hoãn lao động, nghỉ việc, nghỉ không lương, trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh thống kê có gần 56.000 người nhưng cũng chỉ mới tiếp cận, giải quyết được cho hơn 10.000 người. Đối với hộ kinh doanh cá thể, thống kê có hơn 4.000 hộ, mới giải quyết được 15%; tiểu thương buôn bán ở chợ mới chỉ được hỗ trợ 17% với hơn 4.300/25.600 hộ.

“Trong tháng 7/2021, mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết rất tích cực, nhưng rõ ràng, đối tượng, người lao động tại các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận đúng, có lẽ do phương pháp làm, cách giải quyết đâu đó còn chưa ổn. Tới đây, cùng với Nghị quyết 68/NQ-CP, phương thức giải quyết cho đối tượng này sẽ có sự thay đổi”- ông Chu Tiến Dũng thừa nhận.

Đối với chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hiện nay TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận cho hơn 58.000 doanh nghiệp đề xuất xin giãn, giảm nợ thuế, hơn 17.000 hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền hơn 14.500 tỷ đồng. Tuy nhiên theo lãnh đạo hiệp hội, phần quan trọng nhất của doanh nghiệp chính là nguồn vốn. Doanh nghiệp luôn mong đợi chính sách hỗ trợ này từ các giải pháp của ngân hàng.

Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số dư nợ của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP thực hiện trên 1.200 tỷ đồng với hơn 400 ngàn khách hàng đã áp dụng chính sách ưu đãi này. Trong đó, vấn đề cơ cấu lại nợ, trả nợ, thời hạn trả nợ cho 183.000 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 218.500 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất cho 131.400 khách hàng với số dư nợ là 11.317 tỷ đồng.

Mặt khác, ngân hàng cũng đã tiếp nhận đối với gần 800 trường hợp doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ, trong đó có 778 hồ sơ được giải quyết. Thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng, trong thời điểm giãn cách, ngân hàng thực hiện việc kết nối trực tuyến, thực hiện kết nối cho vay khoảng 107.315 tỷ đồng cho 12.357 khách hàng. Ngân hàng cũng đã giải quyết nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp với tinh thần cầu thị.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, do nguồn vốn hạn hẹp nên số vốn cho vay hỗ trợ không nhiều. Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngày 19/7 vừa qua, ngân hàng này đã có hướng dẫn hồ sơ cho 8 trường hợp người sử dụng lao động xin vay để trả lương cho hơn 3.000 lao động với số tiền vay là 13 tỷ đồng.

“Đó là chương trình cho vay giải quyết việc làm, nếu các doanh nghiệp vay vốn để tạo việc làm cho người lao động, thì có thể vay vốn tối đa được 2 tỷ đồng thôi. Hiện nay chúng tôi cũng không cho vay được nhiều, bởi vì lượng vốn giải quyết việc làm TP cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm cũng không nhiều. Thậm chí năm nay cũng chưa được cấp, do đó cũng khó khăn”- ông Trần Văn Tiên nêu vấn đề.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Hiện nay, 50% khó khăn của doanh nghiệp là nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư 01 và Thông tư 03. Thông tư 01 được đánh giá là cởi mở, cơ cấu lại nợ, điều chuyển lãi vay, không trả lãi hoặc không chuyển nhóm nợ. Tuy nhiên, việc cởi mở này khiến việc cho vay cũng tiềm ẩn nguy cơ.

Trong khi đó, Thông tư 03 ban hành ra nhằm quy định chặt chẽ hơn để hạn chế các nguy cơ và yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai chính sách hỗ trợ chính xác và cần phải có trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Hiện Thông tư 03 triển khai bắt đầu từ ngày 17/5 đến nay mới chỉ được hơn 2 tháng, trong khoảng thời gian này, diễn biến dịch quá nhanh nên đến thời điểm này, Thông tư 03 lại có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, cái vướng của Thông tư 03 là thời hạn trả nợ kéo dài và tất cả các khoản nợ chỉ được kéo dài trong vòng 12 tháng. Điều này sẽ rất khó khăn với các khoản cho vay trung và dài hạn. Việc khắc phục những bất cập của thông tư cần phải có thời gian. Do đó mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã họp trực tuyến với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, các ngân hàng đều đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay.

“Căn cứ vào thực lực nguồn vốn cũng như chính sách tín dụng của từng ngân hàng để các ngân hàng có những giải pháp cụ thể, đảm bảo hỗ trợ vốn vay. Tuy nhiên cũng theo ý kiến các ngân hàng, lãi suất giảm cũng phải hỗ trợ cho đúng đối tượng khách hàng đang có khó khăn thực sự, đảm bảo ưu tiên cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thiết yếu hoặc các doanh nghiệp đang có đơn hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay này, các doanh nghiệp đồng thuận sẽ hỗ trợ triển khai từ ngày 15/7 đến hết năm 2021. Hiện đã có nhiều ngân hàng ra thông báo giảm lãi suất. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”- Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân cho hay.

Theo đó, đầu tiên có 3 ngân hàng Sacombank, ACB, MB, tiếp theo có các ngân hàng tham gia cùng như: Vietcombank, BIDV, Tiên Phong bank, Agribank, Ngân hàng Quốc tế VIB, Ngân hàng Bản Việt. Mức giảm lãi suất của các ngân hàng dao động từ 0,8% - 1,2%/năm và phổ biến bình quân 1%/năm so với lãi suất hiện hành tùy theo từng đối tượng khách hàng, tùy theo chính sách của từng ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng ACB thông báo giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa là 0,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 1% đối với cho vay trung, dài hạn. Ngân hàng này còn triển khai thêm gói ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu là 6% cho khách hàng doanh nghiệp và 7% cho khách hàng cá nhân.

Hiện Sacombank cũng đã giảm lãi suất 1% cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Sacombank thuộc các ngành chịu tác động trực tiếp như: du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế. Bản Việt cũng đã hỗ trợ triển khai gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn giảm đến 2%/năm.

HDbank và BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất cho 18.000 khách hàng với mức giảm bình quân từ 1% cho 3 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là các ngân hàng đầu tiên ưu tiên cho việc giảm lãi suất cho các khách hàng thuộc địa bàn giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 16 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Với việc cùng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng, điều này sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình cảnh hiện nay./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam