Đằng sau hiện tượng ngân hàng nhiệt tình “chơi” trái phiếu

19:49 | 03/08/2021 Print
(TBTCVN) - Số liệu thị trường trái phiếu cho thấy, các ngân hàng là những chủ thể “nhiệt tình” nhất với trái phiếu doanh nghiệp cả với vai trò tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư. Trong khi, vấn đề đặt ra là việc mua bán chéo trái phiếu giữa các ngân hàng với nhau nên được nhìn nhận với góc độ ra sao?

nh

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là lĩnh vực đầu tư mạnh của các ngân hàng.

Áp lực về nguồn vốn

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính riêng trong tháng 6/2021, toàn thị trường có 91 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước (52.274 tỷ đồng) và 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng (1.500 tỷ đồng). Trong đó, tỷ lệ phát hành của nhóm các ngân hàng thương mại lên tới 59,5% tổng khối lượng phát hành trong tháng.

Một số đợt phát hành có quy mô lớn của các ngân hàng trong tháng 6 có thể kể đến những đợt phát hành của Ngân hàng Phương Đông (phát hành 1.500 tỷ đồng), Ngân hàng Á Châu (phát hành 2.500 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh (phát hành 2.000 tỷ đồng). Các Ngân hàng SHB, Bưu điện Liên Việt, Phương Đông, Tiên Phong… cũng đều có các đợt phát hành quy mô lên tới 1.000 tỷ đồng trong tháng này.

Sang quý III/2021, các đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng cũng vẫn tiếp tục diễn ra. Trong đó, một số đợt phát hành đáng chú ý sắp diễn ra là đợt phát hành 1.200 tỷ đồng của BIDV và đợt phát hành 1.000 tỷ đồng của VietinBank.

Đợt phát hành của BIDV là đợt phát hành ra công chúng, dự kiến được BIDV sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động cho tổ chức phát hành và cho vay nền kinh tế (bao gồm cả các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu). Trong khi đó, đợt phát hành sắp tới của VietinBank là đợt phát hành riêng lẻ với kỳ hạn lên tới 10 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành là 1.000 trái phiếu.

Việc xuất hiện liên tục các đợt phát hành trái phiếu với quy mô lớn của nhiều ngân hàng khác nhau cũng không có gì khó hiểu bởi nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại là rất lớn để phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng còn chịu áp lực về việc tăng vốn dài hạn để giữ được hệ số an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, bên cạnh giải pháp giữ lại lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu thì các ngân hàng cũng có thể tăng vốn dài hạn bằng phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Vốn cấp 2 tuy là một công cụ nợ nên không có độ an toàn cao như vốn chủ sở hữu, nhưng nguồn vốn này có kỳ hạn dài nên vẫn được coi là có tính ổn định cao hơn các khoản vay ngắn hạn hoặc vốn huy động tiền gửi tiết kiệm.

Câu chuyện mua bán chéo

Bên cạnh việc là chủ thể nhiệt tình nhất trong việc phát hành trái phiếu thì ở một góc độ khác, các ngân hàng cũng rất năng nổ với vai trò là nhà đầu tư mua trái phiếu. Trong nửa đầu năm 2021, các ngân hàng cũng là một trong các nhóm các nhà đầu tư mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất (chỉ sau các công ty chứng khoán), trong đó có cả việc mua chéo trái phiếu do ngân hàng khác phát hành.

Câu hỏi đặt ra là liệu có gì mâu thuẫn khi ngân hàng đang rất cần vốn dài hạn và phải liên tục huy động vốn bằng trái phiếu, vậy tại sao họ lại cũng dư giả nhiều tiền để mua trái phiếu như vậy? Thực tế, các ngân hàng sau khi huy động vốn từ các kênh (trái phiếu, tiền gửi…) thì họ cũng không thể đem cho vay ngay lập tức được vì còn có quá trình tìm kiếm khách hàng, thẩm định hồ sơ… Ngoài ra, các ngân hàng cũng thường xuyên phải giữ lại một tỷ lệ vốn nhất định để duy trì thanh khoản. Trong thời gian đó, các ngân hàng đương nhiên không muốn tiền “nằm chết” một chỗ mà sẽ phải để tiền ở một kênh nào đó có thể sinh lợi, trong đó có trái phiếu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, thực chất việc các ngân hàng mua bán chéo trái phiếu lẫn nhau là nghiệp vụ bình thường của thị trường này. Điều này cho thấy các ngân hàng nhìn nhận đây là khoản đầu tư có tính thanh khoản tốt. Nhưng ở một mặt nào đó, dòng tín dụng sẽ lòng vòng trong hệ thống mà không chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Một trong những câu hỏi đặt ra khi ngân hàng mua trái phiếu có phải họ đang mắc vào một cái vòng luẩn quẩn là họ lại đang dùng vốn ngân hàng để “bơm” vào kênh đầu tư dài hạn hay không? Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, quan điểm này sẽ phải dựa trên nhiều yếu tố, chủ yếu liên quan đến tính thanh khoản của trái phiếu. Theo đó, ngân hàng khi mua trái phiếu thì vốn của họ không bị “đóng cứng” vào đó như một khoản cho vay mà khi có nhu cầu vốn, họ vẫn có thể giao dịch chuyển nhượng, chiết khấu, cầm cố… để rút vốn về. Theo đó, các ngân hàng đầu tư trái phiếu sẽ cần phải phân loại trái phiếu tùy theo tính thanh khoản của nó để xác định độ “lỏng” (khả năng chuyển thành tiền) của tài sản. Chẳng hạn, trái phiếu chính phủ cho dù có thời hạn lên đến 15 - 20 năm chăng nữa vẫn có thể tính là tài sản ngắn hạn do tính chất dễ giao dịch chuyển nhượng của loại trái phiếu này. Đối với trái phiếu do ngân hàng phát hành, việc nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính cùng tham gia mua bán giao dịch loại tài sản này cũng có thể làm tính thanh khoản sẽ dần dần tăng lên. Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng có văn bản hướng dẫn tại Thông tư số 12/2021/TT-NHNN để các ngân hàng có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc mua bán trái phiếu của nhau.

Quy định về việc ngân hàng mua, bán kỳ phiếu, trái phiếu


Thông tư số 12 do Ngân hàng Nhà nước mới ban hành đã có quy định về việc ngân hàng mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do ngân hàng khác phát hành trong nước chưa đến hạn thanh toán.

Thông tư 12 quy định, các ngân hàng được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Bên mua, bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam