Trung Quốc có sức hút mạnh đối với các ngân hàng hàng đầu thế giới

18:57 | 17/03/2021 Print
Năm 2020, tập đoàn Goldman Sachs đã dẫn đầu trong số các ngân hàng Mỹ đổ hàng tỷ USD vào Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa hơn nữa thị trường tài chính nước này.

tq

Ảnh minh họa

Theo một thống kê, "dư nợ tiền tệ chéo" của Goldman Sachs tại Trung Quốc đã tăng 33% lên 17,5 tỷ USD, trong đó bao gồm một lượng lớn tiền và các khoản cấp vốn cho các công ty và tổ chức chính phủ. Citigroup Inc., JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp, Morgan Stanley, cùng với Goldman Sachs - năm ngân hàng lớn của Mỹ - có mức đầu tư 77,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019.

Tổng doanh thu của JPMorgan tại Trung Quốc đã tăng 10,4% lên 21,2 tỷ USD tính đến tháng 12/2020, nhờ hoạt động kinh doanh và đầu tư. JPMorgan đã nâng cổ phần của mình trong liên doanh chứng khoán Trung Quốc lên 71% vào cuối năm ngoái, chạy đua với Goldman Sachs để trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên có toàn quyền sở hữu.

JPMorgan cũng có kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh quản lý tài sản cũng như ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp.

Không chỉ Mỹ, các ngân hàng châu Âu như HSBC Holdings Plc có trụ sở tại London cũng định hướng tương lai sang châu Á, với kế hoạch đầu tư ít nhất 6 tỷ USD vào khu vực này, bao gồm cả Trung Quốc.

Credit Suisse Group AG đang lên kế hoạch tăng gấp đôi số lượng nhân viên cũng như doanh thu tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, UBS Group AG dự kiến nhân đôi dấu ấn tại Trung Quốc trong vòng 3-5 năm và đang tìm cách tăng cường kiểm soát đối với đơn vị chứng khoán của tổ chức này tại Trung Quốc.

Thị trường tài chính Trung Quốc được đánh giá là có sức hút mạnh mẽ đối với các ngân hàng lớn nhất thế giới, với hàng tỷ lợi nhuận thu được từ các ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải đối mặt với một môi trường pháp lý được cho là thiếu chắc chắn và những vấn đề liên quan khác./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam