Thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong tháng 8 này

12:53 | 05/08/2021 Print
Đợt giảm mạnh vừa qua đã đưa mức định giá P/E toàn thị trường về quanh 16 lần – đây là mức khá hấp dẫn với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp khoảng 30% cả năm 2021. Vì vậy, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ hồi phục tích cực hơn trong tháng 8/2021.

Đây là nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay.

* PV: Thưa ông, TTCK tháng 7 giảm khá mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Ngoài yếu tố dịch bệnh Covid-19 phức tạp, theo ông còn những nguyên nhân nào khác?

Thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong tháng 8 này
Trong các phiên giao dịch cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tôi đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực hơn, khi VN-Index đã tạo đáy và hồi phục trở lại, điểm số và thanh khoản đều cải thiện. Đồng thời, khối ngoại trở lại mua ròng và các quỹ ETF cũng giải ngân tích cực hơn trong thời gian gần đây. Ông Đỗ Bảo Ngọc

- Ông Đỗ Bảo Ngọc: TTCK Việt Nam giảm mạnh trong tháng 7/2021 có nguyên nhân chủ yếu từ mối lo ngại của nhà đầu tư (NĐT) về sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam mà TP. Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực tế, Việt Nam đã phải giãn cách xã hội tại 19 tỉnh miền Nam, Thủ đô Hà Nội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các hình thức khác nhau tại một số tỉnh thành khác trên cả nước để chống dịch.

Tôi cho rằng, rõ ràng NĐT có lý do để lo ngại và thị trường đã trải qua những đợt bán tháo mạnh làm chỉ số VN-Index giảm hơn 13% trong tháng 7/2021.

Ngoài nguyên nhân từ dịch bệnh thì cũng có thêm các yếu tố thị trường khác khiến đợt điều chỉnh trong tháng 7 diễn ra nhanh và mạnh. Theo đó, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng lớn trong 6 tháng đầu năm 2021 (tăng hơn 28,3%) nên cần nhịp điều chỉnh là bình thường. Đồng thời, giá trị cho vạy ký quỹ (margin) trên thị trường đạt mốc cao nhất lịch sử (ước khoảng 126.000 tỷ cuối quý II), nên cần thời gian để dòng tiền quay vòng và tìm thêm các lượt vay mới. Mặt khác, nhiều nhóm cổ phiếu trước đó đã có mức giá tăng cao nên kích thích hoạt động chốt lời khi thị trường biến động mạnh.

* PV: Có một số ý kiến cho rằng, việc giảm điểm trong tháng 7 không chỉ riêng thị trường Việt Nam, đồng thời cũng là nhịp điều chỉnh cần thiết sau quá trình tăng dài. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Vì sao?

- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cũng đồng ý với quan điểm đó, bởi thực tế trong xu hướng tăng trưởng dài hạn của TTCK thì luôn có thể xảy ra các đợt điều chỉnh giảm ngắn hạn vì một số nguyên nhân nào đó. Ở trường hợp của thị trường tháng 7, ngoài các yếu tố thị trường thì nguyên nhân ban đầu là mối lo ngại về dịch bệnh, tâm lý NĐT không ổn định, thậm chí giao dịch hoảng loạn khi thấy dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh tăng quá nhanh.

Mặc dù vậy, như phân tích ở trên chúng ta cũng đã có 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng hơn 28,3% và là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực, khi Việt Nam phòng, chống Covid-19 hiệu quả và kết quả kinh doanh (KQKD) tăng trưởng cao của doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Chính vì vậy, việc thị trường có sự điều chỉnh trong tháng 7 có lẽ là điều tất yếu phải xảy ra, thậm chí nếu không phải là Covid-19 bùng phát lần thứ 4 thì có thể thị trường vẫn sẽ có đợt điều chỉnh ngắn, trước khi trở lại xu thế tăng. Hay nói cách khác, ảnh hưởng lớn của Covid-19 phức tạp hơn đã khiến thị trường điều chỉnh nhanh và sâu hơn trong tháng qua.

CSI
Điểm số và thanh khoản đã tích cực hơn trong những phiên đầu tháng 8. Ảnh: Duy Dũng.

* PV: Một điều đặc biệt quan trọng đó là dòng tiền vào thị trường, dù vẫn khá cao nhưng tháng qua có vẻ chững lại, theo ông, thị trường cần thêm những dấu hiệu hay trợ lực gì để kích dòng tiền mạnh hơn?

- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh trong tháng 7 thì những tuần cuối tháng 7 thanh khoản chung là khá thấp, điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại của NĐT trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Hiện tại, trong những phiên đầu tháng 8, tôi đã nhận thấy những tín hiệu tích cực trở lại với sự hồi phục của VN-Index và sự gia tăng thanh khoản. Điều này bắt nguồn từ việc đà tăng số ca nhiễm mới của Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh đã có tín hiệu chững lại và giảm dần số ca nhiễm mới theo ngày, có dấu hiệu cho thấy có thể đỉnh dịch đã ở khá gần và Việt Nam có cơ hội kiểm soát đợt dịch lần thứ 4 này.

Tôi cho rằng thanh khoản chung sẽ tiếp tục được cải thiện khi tâm lý NĐT ổn định trở lại và không bị tác động nhiều bởi tình hình dịch bệnh đang dần cải thiện, Chính phủ cũng đã áp dụng các biện pháp mạnh để sớm kiểm soát được tình hình.

Ngoài ra, KQKD quý II/2021 tới thời điểm này cũng hé lộ bức tranh sáng. Hơn 80% DNNY công bố KQKD với mức tăng trưởng doanh thu bình quân hơn 32% và tăng trưởng lợi nhuận hơn 86% cũng là thông tin tích cực khiến NĐT lạc quan hơn vào triển vọng thị trường trong dài hạn. Dòng tiền vì thế cũng đã có tín hiệu trở lại thị trường trong những phiên đầu tháng 8 với thanh khoản chung tăng hơn 30% so với mức bình quân của 2 tuần cuối tháng 7.

* PV: Về thị trường tháng 8, ông dự báo thế nào vì thông tin KQKD quý II sẽ qua đi và thị trường vào vùng trũng thông tin? Theo ông, thị trường đang được hỗ trợ những gì? Đâu là yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm trong tháng mới?

- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Với việc thị trường đã giảm mạnh trong tháng 7 đưa mức định giá P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) toàn thị trường về mức quanh 16 lần là mức khá hấp dẫn với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các DNNY khoảng 30% cả năm 2021. Chính vì vậy mà nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ có sự hồi phục tích cực trong tháng 8/2021 với các yếu tố hỗ trợ tích cực.

Theo tôi, thị trường sẽ có được các yếu tố hỗ trợ như: Mặt bằng giá cổ phiếu và định giá thị trường đã ở vùng hấp dẫn đầu tư trung dài hạn; KQKD quý II/2021 và 6 tháng khả quan; Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đóng vai trò hỗ trợ thị trường khi duy trì nới lỏng; Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành mới các gói tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh có thanh khoản cao và hưởng lợi khi các kênh đầu tư khác trong nền kinh tế gặp khó khăn vì Covid-19; …

Với những yếu tố nền tảng vẫn thuận lợi như trên, tôi cho rằng, một khi dịch bệnh được khống chế tốt hơn, chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại. Trong các phiên giao dịch cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tôi đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực hơn, khi VN-Index đã tạo đáy và hồi phục trở lại, điểm số và thanh khoản đều cải thiện. Đồng thời, khối ngoại trở lại mua ròng và các quỹ ETF cũng giải ngân tích cực hơn trong thời gian gần đây.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam