Định giá thị trường chứng khoán hấp dẫn, khối ngoại mua ròng trở lại

16:09 | 04/08/2021 Print
Theo các chuyên gia chứng khoán, khối ngoại có thể sẽ kéo dài việc mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam do thị trường Việt Nam đang được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực.

ggck

Động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tích cực tới tâm lý thị trường. Ảnh: Duy Dũng

Khối ngoại mua ròng trở lại

Theo báo cáo dòng vốn quỹ ngoại của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS, trong tuần cuối tháng 7, hoạt động mua của khối ngoại chiếm ưu thế. Giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 725 tỷ đồng. Lực cầu tiếp tục tập trung chủ yếu trên các nhóm ngành chủ đạo như tài chính và tiêu dùng thiết yếu.

Bên cạnh đó, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì tại Đông Nam Á và đã trở về mức bình thường, ghi nhận ở mức 5 triệu USD. Đáng chú ý, dòng tiền tại Việt Nam đã lan tỏa trên các ETFs chủ đạo và không còn tập trung như những tuần trước đó. Do vậy, dòng vốn được kỳ vọng sẽ giữ được mức ổn định trong thời gian tới.

Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đổ dồn vào đầu tư chứng khoán đã đánh bật vị thế của nhà đầu tư nước ngoài từ chiếm 15-20% tỷ trọng giá trị giao dịch toàn thị trường xuống chỉ còn 8-9%. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nhóm này với tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đó, mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn có ảnh hưởng tới tâm lý của thị trường. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kể từ tháng 7/2020. Đến đầu năm 2021, tình trạng bán ròng vẫn diễn ra mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, riêng tháng 6, khối ngoại bán ròng 4.195 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE, luỹ kế 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 29.800 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở các cổ phiếu như HPG, VNM, CTG, VPB, MBB.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, khối ngoại đã quay đầu mua ròng 4.717 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE. Nếu không kể tháng thứ 4 khối ngoại mua ròng nhẹ 182 tỷ đồng thì đây là tháng đầu tiên sau 12 tháng khối ngoại mua ròng với giá trị lớn.

Theo các chuyên gia chứng khoán, có nhiều lý do để giải thích tình trạng khối ngoại mua ròng trở lại, trong đó nhân tố quan trọng nhất đó là định giá thị trường Việt Nam đang được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực.

Chỉ số Vn-Index tăng trưởng bứt phá suốt 6 tháng đầu năm, tuy nhiên đến đầu tháng 7, Vn-Index quay đầu giảm từ vùng giá 1.420 điểm về vùng giá hơn 1.200 điểm và hiện ở mốc 1.334 điểm. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường quý II/2021 ở mức 88,6% cùng triển vọng tích cực ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đã đưa chứng khoán Việt Nam về vùng giá hấp dẫn. Nhờ xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) dự phóng 2021 của chỉ số Vn-Index hiện ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực, tương đương với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần, thấp hơn mức P/E 22,0 lần tại đỉnh năm 2018 và mức P/E 19 lần ở thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.

Tác động tích cực tâm lý thị trường

Đánh giá về xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một chỉ báo để cho tâm lý nhà đầu tư yên tâm hơn, xét về định lượng đây không phải là yếu tố tác động tới thị trường vì hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch khoảng 10 -11% so với giá trị giao dịch toàn thị trường. Do đó, chỉ có thể giúp cho thị trường hồi phục một phần nhỏ chứ không phải là cú huých để thị trường có thể tăng trưởng trở lại.

“Xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể sẽ kéo dài vì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam thường dựa trên định giá. Năm 2020 đến nay họ rút ròng do lo ngại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như định giá của các cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, mức định giá thị trường dưới 16 lần trở lại vùng hấp dẫn, đây là lý do để họ quay trở lại thị trường”- ông Minh cho hay.

Ông Minh cũng cho biết thêm, kết quả công bố 6 tháng đầu năm của các quỹ đầu tư, tỷ trọng tiền mặt đang duy trì ở mức cao, theo nguyên tắc các quỹ thường không để tỷ lệ tiền mặt cao trong tài khoản, do đó họ có thể sẽ giải ngân trong thời gian tới, xu hướng dòng tiền nước ngoài sẽ tiếp tục mua ròng, tuy nhiên có thể giá trị mua ròng không lớn, nhưng cũng tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường.

Còn ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng nhóm Phân tích Chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài và họ sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội sinh lợi, khi PE của thị trường Việt Nam đang có mức định giá thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực. Bên cạnh đó, dòng vốn từ các quỹ ETF vẫn liên tục chảy vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF nội và ngoại, trong đó nổi bật nhất là thành công của VFMVN DIAMOND ETF (ETF đầu tư vào các cổ phiếu kín room dành cho khối ngoại trên thị trường)./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam