Bất ngờ với nhóm cổ phiếu Vingroup

16:34 | 03/08/2021 Print
Trong khi thị trường trông đợi nhóm cổ phiếu ngân hàng bùng nổ kéo đà phục hồi dài hơi hơn thì hôm nay lại lộ diện ứng cử viên khác: VIC và VHM đều tăng giá mạnh mẽ, đặc biệt là VIC sau khi tạo đáy suốt 3 tuần qua.

CKDòng tiền vào bùng nổ

Lâu nay cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm giữ các vị trí hàng đầu về thu hút dòng tiền. Hôm nay cũng vậy. Tuy nhiên lần thứ hai trong năm nay VHM lọt vào nhóm cổ phiếu đạt giá trị khớp lệnh trên 1.000 tỷ đồng.

Với 9,95 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị 1.094 tỷ đồng, VHM đã lập kỷ lục thanh khoản kể từ giữa tháng 4 vừa qua. VHM cũng là blue-chips không có cơ hội rõ ràng như các mã khác, ít được bắt đáy. Hôm nay đột nhiên cổ phiếu này nhận được dòng tiền cực khỏe, đẩy giá lên.

Cổ phiếu này tăng 2,59% trong một phiên giao dịch không hề dễ dàng. Đầu phiên VHM còn giảm nhẹ 0,28% so với tham chiếu. Chỉ khi dòng tiền cực mạnh đổ vào, giá mới thay đổi tích cực. VHM bùng nổ từ khoảng 10h sáng và đạt đỉnh sau đó 30 phút. Mức tăng cao nhất là 3,79% so với tham chiếu. Như vậy đề diễn biến là VHM có suy yếu đi về cuối khi không giữ được đà tăng trọn vẹn.

VIC biến động cũng gần tương tự VHM nhưng cực đoan hơn. Tăng mạnh ngay từ lúc mở cửa, đến 10h30 VIC thậm chí còn đạt tới giá kịch trần. Không khó để nhận thấy VIC và VHM là hai cổ phiếu khuynh đảo chỉ số VN-Index trong buổi sáng, cùng đưa VN-Index đạt đỉnh.

Hai mã này cũng nhận được dòng tiền rất đáng chú ý. VIC tuy không khớp tới ngưỡng ngàn tỷ như VHM, nhưng cũng đạt gần 827 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thậm chí là kỷ lục kể từ tháng 4/2018. Đóng cửa tăng 6,51%, VIC trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới VN-Index khi cộng thêm tới 6,6 điểm.

Mặc dù mức tăng của VIC không mã nào có thể vượt qua được về sức ảnh hưởng, nhưng thị trường về cuối phiên cũng phải ghi nhận biến động mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng. Một số mã đảo chiều rất ấn tượng, kéo theo đó là điểm số. Chẳng hạn VCB đã quay đầu tăng tích cực trong hơn 20 phút cuối phiên, chốt trên tham chiếu 1,86%; TCB có nhịp tăng khoảng 15 phút quay lại được đỉnh cao trong phiên, tăng 1,97% so với tham chiếu; CTG cuối ngày tăng không nhiều, chỉ 1,04% nhưng ngay trước khi hồi lên, cổ phiếu này còn đang giảm 1,4%, nghĩa là thực tế giá đã phục hồi 2,5% về cuối phiên.

Dòng tiền cũng cho thấy tín hiệu mạnh lên ở các cổ phiếu quen thuộc. Ngoài VIC, VHM khá lớn, các mã ngân hàng cũng đã tăng được thanh khoản . TCB giao dịch 1.1801 tỷ đồng giá trị; STB khoảng 781 tỷ đồng; CTG đạt 748,8 tỷ đồng... HPG cũng tăng thanh khoản gần 17% so với hôm qua, đạt 28,3 triệu cổ và 1.335,7 tỷ đồng giá trị.

Thị trường có cơ hội tăng bằng trụ

VN-Index tăng 18,22 điểm hôm nay là rất mạnh. Trong suốt nhịp hồi kỹ thuật này, phiên tăng mạnh hơn gần nhất là mức 22,88 điểm ngày 22/7. Mức tăng tốt của chỉ số là do cộng hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng.

Điều này có thể tạo ra sự khác biệt ở thời điểm này. Nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tăng thì VN-Index không thể giảm được, chỉ có cổ phiếu là có thể giảm. Thị trường đang đứng trước khả năng thử thách niềm tin của nhà đầu tư vì VN-Index có thể đi dài hơn, nhưng nhiều cổ phiếu đã phục hồi đến ngưỡng cản.

Việc đầu cơ là mua cổ phiếu cụ thể, trong khi VN-Index là đại diện cho một rổ. Nhà đầu tư có thể nhìn vào hai loại tín hiệu: Thứ nhất là chính cổ phiếu của mình tăng giá đến đâu và triển vọng có tăng được hay không; Thứ hai là phân tích xu hướng phục hồi qua chỉ số VN-Index. Tuy nhiên ở các nhịp phục hồi kỹ thuật thì hai tín hiệu này dễ ngược chiều nhau.

Lý do đơn giản là khả năng xoay trụ dẫn đến VN-Index tăng, nhưng với cổ phiếu thì nhà đầu tư mắc kẹt sẽ dễ bán ra để cắt lỗ, cơ cấu lại danh mục. Trong xu hướng tăng thì hầu hết nhà đầu tư có lãi, nhưng ở nhịp tăng phục hồi thì sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư mắc kẹt.

chứng khoán 3-8

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.222 tỷ đồng (+10%)

618 triệu (+5%)

2.973 tỷ đồng (+22%)

112,9 triệu (+10%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam