Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên 11/3

09:21 | 12/03/2021 Print
Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch 11/3 do đồng USD suy yếu và những đồn đoán về nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu thô chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và các nhà máy lọc dầu tại Texas đã nối lại hoạt động.

Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2021 tăng 1,58 USD (2,5%), lên 66,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2021 tại thị trường London cũng tiến 1,73 USD (2,6%), lên 69,63 USD/thùng.

Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch và Associates cho biết, việc đồng USD yếu đã giúp giá dầu hưởng lợi. Ông dự kiến thị trường năng lượng sẽ tiếp tục trì trệ trong tuần tới, với giá dầu WTI dao động trong khoảng 63-68 USD/thùng trước khi có bất kỳ mức tăng đột biến nào.

Lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm ngày 11/3 do những lo ngại về đà tăng mạnh tỷ lệ lạm phát đã "nguôi ngoai" và sự chú ý chuyển sang đợt chào bán trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Bộ Tài chính Mỹ. Phiên này, đồng USD giảm phiên thứ ba liên tiếp và ở mức thấp nhất trong một tuần so với rổ tiền tệ.

Tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm mạnh hơn dự kiến, khi môi trường sức khỏe cộng đồng được cải thiện, cho phép nhiều hoạt động của nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tamas Varga, chuyên gia phân tích cấp cao của PVM Oil Associates, cho biết lượng dự trữ xăng của Mỹ giảm mạnh cũng đã góp phần thúc đẩy giá dầu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ xăng của Mỹ giảm 11,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 5/3, xuống 231,6 triệu thùng, so với kỳ vọng giảm 3,5 triệu thùng. Tuy nhiên, lượng dầu thô trữ kho tăng 13,8 triệu thùng trong tuần trước, lên 498,4 triệu thùng, so với dự báo tăng 816.000 thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

* Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 11/3, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 88,57 điểm, hay 0,58%, lên 32.485,59 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 40,53 điểm, hay 1,04%, lên 3.939,34 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 329,84 điểm, hay 2,52%, lên 13.398,67 điểm.

8 trong 11 lĩnh vực chủ chốt của chỉ số S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh, trong đó lĩnh vực công nghệ tăng mạnh nhất, với 2,12%. Lĩnh vực tài chính giảm mạnh nhất, với 0,28%.

Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tăng, với toàn bộ 10 cổ phiếu dẫn đầu trong chỉ số S&P U.S. Listed China 50 đều đi lên.

Ông Biden ngày 11/3 đã ký ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, sau nhiều tuần gói kích thích này được thảo luận tại Quốc hội.

Gói kích thích bao gồm tiền tài trợ cho việc xét nghiệm và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trợ cấp thất nghiệp bổ sung, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động Mỹ, tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các chính quyền bang và địa phương, cùng với các trường học.

Về tình hình nền kinh tế, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức 712.000 trong tuần kết thúc ngày 6/3, giảm 42.000 so với tuần trước đó.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones và tờ The Wall Street Journal dự báo con số 725.000.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam