Diễn biến COVID-19 tới sáng 12/3: Thế giới trên 119 triệu ca mắc

07:15 | 12/03/2021 Print
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 446.000 ca mắc COVID-19 và trên 8.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 119 triệu ca, trong đó trên 2,64 triệu ca tử vong.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rio De Janeiro, Brazil, ngày 6/3/2021.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rio De Janeiro, Brazil, ngày 6/3/2021.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (71.745 ca), Mỹ (trên 55.000 ca) và Pháp (27.166 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.972 ca), Mỹ (1.346 ca) và Mexico (699 ca).

Trong khi đó, xuất hiện một thông tin đáng lo ngại là biến thể Anh của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ra toàn cầu có khả năng gây tử vong cao hơn 64% so với các biến thể xuất hiện trước đó.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện hồi năm ngoái, là một trong những biến thể đã xuất hiện trong vài tháng gần ở một số nước mà dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu được công bố ngày 10/3, các chuyên gia tại Anh đã so sánh dữ liệu y tế của gần 55.000 bệnh nhân mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021 và theo dõi họ trong 28 ngày. Tình nguyện viên tham gia được chia nhóm theo độ tuổi, dân tộc và giới tính. Họ phát hiện những người mắc biến thể mới có nguy cơ tử vong cao hơn 64%, tăng từ 2,5 lên 4,1 trên mỗi 1.000 ca nhiễm. Nghiên cứu lưu ý việc thử nghiệm trong cộng đồng thường lựa chọn người bệnh nhẹ và trung bình, nhưng các nhà khoa học cho biết nếu kết quả tương tự ở nhóm cộng đồng khác, biến thể này "có khả năng gây tử vong đáng kể so với những biến thể trước đó".

Trao đổi với báo giới, Phó Giáo sư về vi sinh vật học tế bào Simon Clarke thuộc Đại học Reading nhận định khả năng gây tử vong đồng nghĩa biến thể này đang đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống chăm sóc y tế và các nhà hoạch định chính sách. Kết quả nghiên cứu càng nêu bật tầm quan trọng của việc chủng ngừa khi đến lượt.

Ông Michael Head, nghiên cứu sinh về y tế toàn cầu, Đại học Southampton, đánh giá phát hiện mới trên làm nổi rõ mối nguy hiểm khi virus SARS-CoV-2 lây lan rộng rãi. Ông lưu ý: "Càng nhiều ca mắc COVID-19, càng nhiều khả năng xuất hiện biến thể mới đáng lo ngại". Điều này cũng tác động đến chiến dịch tiêm chủng.

Biến thể trên được ghi nhận đầu tiên ở vùng Đông Nam nước Anh. Đến nay, hầu hết nhà sản xuất đều cho biết vaccine ngừa COVID-19 đủ hiệu quả chống lại biến thể Anh. Tuy nhiên, một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi đã biến đổi, làm dấy lên lo ngại nó có thể trốn tránh miễn dịch do vaccine sản sinh.

Pháp nới lỏng hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài EU

Ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này sẽ nới lỏng một số hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) vốn được áp dụng để phòng dịch COVID-19.

Theo đó, tất cả các trường hợp đi và đến từ Australia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Singapore sẽ không cần phải nêu mục đích chuyến đi của mình. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu khác, trong đó có việc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 72h trước chuyến đi, vẫn được áp dụng. Bên cạnh đó, việc đi đến các quốc gia khác bên ngoài EU vẫn bị hạn chế, song có bổ sung một số trường hợp ngoại lệ như đoàn tụ gia đình và trẻ em đi học.

Dự kiến, sắc lệnh về việc nới lỏng hạn chế đi lại sẽ được công bố trong ngày 12/3.

Trước đó, từ ngày 31/3/2021, Chính phủ Pháp đã cấm tất cả hoạt động đi lại với các nước ngoài EU, ngoại trừ các chuyến đi với mục đích thiết yếu, nhằm hạn chế sự lây lan các biến thể virus SARS-CoV-2.

EU cấp phép sử dụng vaccine Johnson&Johnson

Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.

Ngày 11/3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Quyết định trên của EMA đã tạo ra cú huých cho chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp trong EU, thậm chí có tin cho rằng lô vaccine Johnson&Johnson đầu tiên cho đến tháng 4 mới tới các nước châu Âu.

Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng 3 vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, 3 vaccine ngừa COVID-19 khác đang được EMA xem xét gồm vaccine Novavax, CureVac và Sputnik V của Nga.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong một ngày

Ngày 11/3, Hungary đã ghi nhận thêm 8.312 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ khi bùng phát dịch COVID-19. Số ca tử vong mới trong ngày là 172. Cho đến hiện tại vẫn còn 8.329 ca đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 911 ca bệnh nặng phải sử dụng máy thở.

Chính phủ Hungary cho biết nước này đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 3, khi số ca nhiễm tăng trở lại từ giữa tháng 2.

Cùng ngày, Ukraine cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca phải nhập viện trong vòng 24 giờ qua. Số liệu của Bộ Y tế Ukraine cho thấy 4.250 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 trong ngày 10/3, tăng gần 22% so với con số 3.486 ca nhập viện hôm 3/3. Trước đó, vào thời điểm đỉnh dịch cuối năm 2020, số ca nhập viện vì COVID-19 ở Ukraine chưa lần nào vượt quá con số 2.000 mỗi ngày.

Tại Belarus, Bộ Y tế ngày 11/3 ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh. Các ca nhiễm này bao gồm những hành khách đến từ Ba Lan, Ukraine và Ai Cập và cả những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Belarus.

Tại Nga, nước bị ảnh hưởng nhất khu vực châu Âu, 9.270 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 11/3, trong đó có 1.281 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.360.823 ca kể từ khi bùng phát dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, cơ quan y tế cũng ghi nhận 459 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 90.734 ca.

Bang đầu tiên của Mỹ tiêm vaccine cho người từ 16 tuổi

Alaska đã trở thành bang đầu tiên của nước Mỹ cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho mọi người dân trên 16 tuổi đang sinh sống hoặc làm việc tại bang này.

Phát biểu họp báo ngày 10/3, Thống đốc bang Alaska Mike Dunleavy đã mô tả quyết định "mang tính lịch sử" này là "bước đi tiên phong khác của Alaska" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Kết quả trên xuất phát từ việc là Alaska là bang đầu tiên cung cấp xét nghiệm rộng rãi, duy trì là một trong những bang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trong cả nước.

Cho đến nay, Alaska đã tiêm hơn 290.000 liều vaccine, trong đó có ít nhất 119.000 người đã được tiêm đủ mũi. Điều này đồng nghĩa khoảng 25% dân số Alaska đã được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine, đưa bang này trở thành địa phương đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Trong khi vaccine của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) được khuyến cáo chủng ngừa cho những người 16 tuổi, vaccine của Moderna và Johnson & Johnson (đều của Mỹ) chỉ dành cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, với khoảng 60.000 ca mắc COVID-19, Alaska đứng thứ 46 về số ca mắc ở Mỹ - chỉ sau Wyoming, Maine, Hawaii và Vermont. Số ca tử vong tại bang này là 291 ca.

Quốc hội Chile chấp thuận kéo dài tình trạng thảm họa quốc gia

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Santiago, Chile.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Santiago, Chile.

Quốc hội Chile đã thông qua việc gia hạn tới cuối tháng 6 tình trạng thảm họa đặc biệt được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này từ hơn một năm qua, qua đó tạo cơ sở pháp lý giúp chính phủ giải quyết những tác động từ đại dịch COVID-19.

Nghị quyết kéo dài tình trạng thảm họa được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Chile vẫn diễn biến phức tạp và số ca mắc mới COVID-19 mới có dấu hiệu gia tăng, buộc cơ quan chức năng phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại tại một số thành phố lớn.

Biện pháp này cho phép chính quyền hạn chế hoạt động đi lại của người dân cũng như ban hành lệnh cách ly và giới nghiêm trong trường hợp cần thiết, đồng thời cho phép huy động các nguồn lực để phục vụ quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội.

Thống kê chính thức cho biết đến nay, Chile đã ghi nhận trên 873.000 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 21.300 trường hợp tử vong.

Argentina đóng một phần không phận do dịch diễn biến phức tạp

Thông báo của chính phủ Argentina ngày 11/3 cho biết Argentina sẽ giảm tiếp nhận các chuyến bay từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brazil và các nước Mỹ Latinh khác kể từ tuần tới để ngăn chặn COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo quyết định vừa được công bố, số chuyến bay từ Brazil, Mexico và châu Âu sẽ giảm 20%; từ Chile, Colombia, Ecuador, Panama và Peru sẽ giảm 30% và từ Mỹ sẽ giảm 10%. Đây là biện pháp mới nhất nhằm hạn chế sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, Argentina sẽ không đóng cửa hoàn toàn biên giới như từng được áp dụng khi đại dịch COVID-19 mới xuất hiện.

Đến nay, Argentina đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc COVID-19 khiến 53.493 người tử vong.

Nhật Bản yêu cầu các hãng hàng không hạn chế lượng hành khách

Bộ Giao thông Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không Nhật Bản hạn chế lượng hành khách tới Nhật ở mức 3.400 khách/tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Các biện pháp hạn chế này đã có hiệu lực từ ngày 8/3.

Trong khi đó, các hãng hàng không nước ngoài vận hành các chuyến bay tới các sân bay Narita, Haneda và Kansai của Nhật Bản, đã được yêu cầu từ ngày 19/3 giảm lượng hành khách tới nước này xuống 80 người/chuyến bay so với mức 100 người/chuyến bay hiện nay.

Các hãng hàng không Nhật Bản đã áp dụng biện pháp trên trong bối cảnh chính phủ nước này siết chặt việc kiểm soát biên giới, theo đó những người đến từ 13 quốc gia trong đó có Áo và Italy phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch bổ sung. Trước đó, đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn tình trạng khẩn cấp tại khu vực Tokyo thêm 2 tuần, đến ngày 21/3.

Hàn Quốc phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi

Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 11/3 thông báo nước này sẽ mở rộng diện sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca ra nhóm người từ 65 tuổi trở lên khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài đã chứng thực hiệu quả của loại vaccine này.

Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 2 vừa qua. Ban đầu KDCA loại người cao tuổi ra khỏi nhóm đối tượng được sử dụng vaccine AstraZeneca, với lý do chưa đủ dữ liệu lâm sàng. Theo quyết định mới được công bố, vaccine AstraZeneca sẽ được sử dụng cho tất cả người trưởng thành tử 18 tuổi trở lên ở Hàn Quốc. Hiện chương trình tiêm chủng của Hàn Quốc ưu tiên lực lượng nhân viên y tế và các bệnh nhân tại các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn. Với quyết định nói trên, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đẩy nhanh hơn.

KDCA quyết định hủy bỏ giới hạn độ tuổi tiêm vaccine sau khi các nghiên cứu ở Anh cho thấy vaccine của AstraZeneca có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm và giảm tỷ lệ cần nhập viện điều trị ở người cao tuổi. Nhà chức trách y tế Anh công bố vaccine này có hiệu quả phòng ngừa nhiễm virus gây bệnh COVID-19 lên tới hơn 70% ở người cao tuổi. Một nghiên cứu khác ở Scotland cho thấy vaccine AstraZeneca có hiệu quả tối đa 80% trong việc phòng ngừa nguy cơ phải nhập viện ở người trên 80 tuổi.

Nhà chức trách Hàn Quốc cũng thông báo lô vaccine AstraZeneca thứ 2 đủ để tiêm chủng cho 3,5 triệu người sẽ tới nước này trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 tới. Lô vaccine 7 triệu liều này nằm trong thỏa thuận cung cấp vaccine AstraZeneca cho 10 triệu người ở Hàn Quốc. Lô đầu tiên sử dụng cho 785.000 người đã đến Hàn Quốc tháng trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận vaccine đủ để tiêm chủng cho 79 triệu người, bao gồm vaccine trong khuôn khổ cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hợp động riêng rẽ với 5 công ty dược phẩm nước ngoài. Trong khi đó, dân số Hàn Quốc chỉ khoảng 52 triệu người.

CH Congo tiếp nhận 100.000 liều vaccine của Sinopharm

CH Congo đã tiếp nhận 100.000 liều vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc), 10 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại nước này. Số vaccine này được Trung Quốc tặng cho CH Congo trong chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Congo Lydia Mikolo cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng trong những ngày tới, bắt đầu với những nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao virus SARS-CoV-2 như các nhân viên y tế, nhà báo và các lực lượng an ninh.

Tới nay, CH Congo đã ghi nhận 120 ca tử vong trong tổng số 5.000 ca mắc COVID-19.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam