Thương mại ASEAN có tín hiệu khởi sắc

17:44 | 04/03/2021 Print
Thương mại của một số nền kinh tế trong khu vực ASEAN tăng so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp và người dân nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 đã có những kết quả nhất định.

Tại Thái Lan: Tháng 01/2021, cán cân thương mại thâm hụt 0,2 tỷ USD, giảm tới 1,16 tỷ USD so với mức thặng dư 0,96 tỷ USD của tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ của năm 2020 thì mức thâm hụt giảm 1,35 tỷ USD (khi thâm hụt tháng 1/2020 là 1,55 tỷ USD).

Trong đó, xuất khẩu đạt 19,71 tỷ USD, giảm 1,8% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 0,35% so với cùng kỳ năm 2020 do sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu sau sự gián đoạn của Covid-19. Đối với năm 2021, Chính phủ nước này dự kiến các lô hàng xuất đi nước ngoài sẽ tăng 4,0%, mức tăng này có được là do sự phục hồi mạnh hơn của nhu cầu nước ngoài khi nhiều quốc gia tái xuất khỏi vùng sâu của đại dịch. Trong khi tổng nhập khẩu đạt 19,91 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng 12/2020 nhưng giảm 5,24% so với tháng 01/2020.

xuat khau
2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD. Ảnh: TL

Tại Malaysia: Tháng 01/2021, cán cân thương mại thặng dư 16,6 tỷ RM, giảm 19,8% so với tháng 12/2020, nhưng tăng tới 38,3% so với tháng 01/2020, do xuất khẩu tăng nhiều hơn nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp cán cân thương mại của Malaysia duy trì được mức thặng dư hai con số.

Trong đó, xuất khẩu đạt 89,63 tỷ RM, giảm 6,4% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu duy trì được sự tăng trưởng tích cực. Việc mở rộng có được là do sự gia tăng nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là đối với các sản phẩm điện và điện tử, cao su cũng như các hoạt động xếp hàng trước mùa lễ hội. Cũng theo xu hướng trên, tổng giá trị nhập khẩu đạt 73,02 tỷ RM, giảm 2,7% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 1,3% so với tháng 01/2020, chủ yếu do hàng hóa tiêu dùng tăng 1,3% và hàng hóa trung gian tăng 1,4%.

Tại Indonesia: Theo cơ quan Thống kê Indonesia, tháng 01/2021, cán cân thương mại nước này thặng dư 1,96 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 206,2% so với tháng 01/2020. Đây là tháng thặng dư thứ 9 liên tiếp trong cán cân thương mại và cao hơn mức đồng thuận của thị trường là 1,68 tỷ USD, do xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu đạt 15,3 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 12,24% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu do doanh thu xuất khẩu ngoài dầu cao hơn (tăng 12,49%), trong khi các sản phẩm dầu và khí đốt tăng 8,30%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 13,34 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 12/2020 và giảm 6,5% so với tháng 01/2020, chủ yếu do lượng mua dầu và khí đốt giảm (giảm 21,90%) và các loại phi dầu khí giảm 4%.

Tại Singapore: Tháng 01/2021, cán cân thương mại thặng dư 5,61 tỷ SGD, giảm 9,5% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 255,1% so với tháng 01/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 46,1 tỷ SGD, tăng 4,1% so với tháng 12/2020 nhưng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu đạt 40,5 tỷ SGD, tăng 6,3% so với tháng 12/2020 nhưng giảm 7,7% so với tháng 01/2020.

Philippines cán cân thương mại lại thâm hụt 2,18 tỷ USD trong tháng 12/2020, giảm so với mức thâm hụt 2,97 tỷ USD của tháng 12/2019, như vậy tình hình thương mại tiếp tục khả quan. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,74 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 12/2019, và nhập khẩu đạt 7,92 tỷ USD, giảm 9,1%.

Tính chung cả năm 2020, thâm hụt thương mại của Philipinnes giảm mạnh xuống còn 21,84 tỷ USD, tức là giảm tới 46,3% so với mức 40,67 tỷ USD của năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 63,77 tỷ USD, giảm 10,1% và nhập khẩu đạt 85,61 tỷ USD, giảm 23,3% so với năm 2019.

Tại Việt Nam: Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 ước tính thâm hụt 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%. Trong hai tháng có chín mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%. Trong 2 tháng có 11 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim ngạch nhập khẩu./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam