Kiến nghị bổ sung thẩm quyền điều tra cho hải quan

13:55 | 23/01/2015 Print
Cục Điều tra chống buôn lậu vừa kiến nghị, đề xuất 5 giải pháp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu hải quan với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để các cơ quan này kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, nhằm triển khai hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ năm 2015.

bắt buôn lậu

Lực lượng điều tra chống buôn lậu và cảnh sát biển phát hiện và bắt giữ lô hàng vật liệu, thuốc nổ nhập lậu. Ảnh: VP CBL

Cụ thể 5 kiến nghị, đề xuất giải pháp gồm:

Thứ nhất, đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật phòng, chống ma túy, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự theo hướng: bổ sung thẩm quyền cho cơ quan hải quan trong hoạt động điều tra, khởi tố đối với các loại tội phạm về ma tuý, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế, vi phạm môi trường...

Hiện nay, cơ quan hải quan chỉ được điều tra với 2 tội danh: buôn lậu và vận chuyển trái phép. Trong khi đó hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng. Hàng ngày, lực lượng hải quan phải đối mặt với nhiều loại tội phạm như: trốn thuế, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, tội phạm môi trường… Bời vậy, cơ quan hải quan cần có thêm thẩm quyền điều tra những lĩnh vực này.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ kiểm soát hải quan, theo Luật Hải quan sửa đổi.

Tạo điều kiện triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020; Đề án thành lập Trung tâm Chỉ huy trực tuyến chống buôn lậu. Tổng cục Hải quan cấp thêm tài khoản cho cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu để truy cập, khai thác mạng dữ liệu tờ khai để thu thập, phân tích thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất xuất nhập khẩu trong toàn ngành.

Thứ ba, đối với loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất (TNTX), cơ quan hải quan cần có cơ chế thường xuyên phân loại, đánh giá doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TNTX. Trên cơ sở kết quả phân loại, chỉ cho phép những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế... được kinh doanh TNTX.

Thứ tư, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát, ban hành bổ sung Danh mục hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh TNTX phù hợp với từng thời kỳ. Giới hạn một số mặt hàng nhạy cảm, hàng có thuế suất cao, hàng có nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… không cho thực hiện việc kinh doanh theo loại hình này.

Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, vận tải loại hình này phải thực hiện việc giám sát hàng hóa bằng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để đảm bảo theo dõi.

Thứ năm, đối với hành vi lợi dụng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu để hoàn thuế GTGT, cơ quan có thẩm quyền cần quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, giải thể doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế GTGT.

Quy định cụ thể trong công tác thanh toán, quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu như việc chuyển VNĐ với số lượng lớn thông qua tài khoản vãng lai của người nước ngoài phải có giải trình về nguồn gốc tiền, lý do thanh toán, các chứng từ buộc phải có về nguồn gốc tiền./.

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam