Xu hướng mới trên thế giới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa

15:04 | 01/03/2021 Print
Hiện xu hướng chứng nhận xuất xứ hàng hoá điện tử đang phát triển mạnh trên thế giới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó hình thức tự chứng nhận xuất xứ vẫn đang được thực hiện với những quy trình mới.

Chứng nhận xuất xứ điện tử phát triển mạnh

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) thực hiện năm 2020 về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trên thế giới, đối với chứng nhận xuất xứ không hưởng ưu đãi thuế, việc sử dụng hoặc chấp nhận chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O) ngày càng nhiều.

Theo đó, các quốc gia phát hành nhiều e-C/O nhất là Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Trong đó, đối với chứng nhận xuất xứ không hưởng ưu đãi thuế thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia chỉ cung cấp chứng nhận ở định dạng e-C/O này. Theo báo cáo của phòng thương mại hai nước này trong năm 2019 thì Trung Quốc đã phát hành 4 triệu chứng nhận e-C/O và Hàn Quốc là 550 nghìn e-C/O.

Các e-C/O được chứng minh làm giảm nguy cơ giả mạo chứng nhận một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc phi vật chất hóa giấy chứng nhận xuất xứ có thể hạn chế sự tương tác vật lý giữa nhà xuất khẩu và cơ quan cấp cũng như giữa nhà nhập khẩu và cơ quan Hải quan.

xuat xu hang hoa
Hiện nay, việc sử dụng hoặc chấp nhận chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử ngày càng nhiều. Ảnh: TL

Cũng theo nghiên cứu của WCO, đối với chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế, có 209 FTA có nội dung quy định về xuất xứ, cao hơn nhiều so với 149 FTA được nghiên cứu trong năm 2014.

Tự chứng nhận xuất xứ áp dụng các công nghệ mới

Năm 2014, hơn một nửa số FTA được nghiên cứu có quy định về một số hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà xuất khẩu được sử dụng chủ yếu trong các FTA liên quan đến một hoặc nhiều quốc gia châu Âu; trong khi các FTA liên quan đến các nước ở châu Mỹ sử dụng cả hai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Các FTA trong nội khối châu Phi và nội châu Á nghiêng về cơ chế chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, một trong những phát hiện mới được công bố ở công trình nghiên cứu năm 2020 của WCO là các FTA được ký kết gần đây dường như ưu tiên việc tự chứng nhận xuất xứ (141 trong số 209 FTA được nghiên cứu), đặc biệt là cơ chế tự chứng nhận hoàn toàn dựa trên năng lực của nhà xuất khẩu và hệ thống tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà nhập khẩu mà với sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu là rất ít hoặc không có.

Theo phân tích của các loại chứng nhận tự chứng nhận, 82 trong số 209 FTA được nghiên cứu yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, nhưng cung cấp cho tùy chọn khai báo xuất xứ của các nhà xuất khẩu được chấp thuận. Trong hầu hết các FTA loại này, cơ quan Hải quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hoặc chịu trách nhiệm chứng thực các nhà xuất khẩu được chấp thuận.

Và 43 Hiệp định có chứng nhận hoàn toàn dựa trên nhà xuất khẩu, trong khi 16 Hiệp định có hệ thống dựa trên nhà nhập khẩu. Tổng cộng, trong 59 Hiệp định trong số tất cả các hiệp định FTA được nghiên cứu các cơ quan chức năng không bao giờ tham gia vào việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Trong 68 FTA được nghiên cứu chỉ các cơ quan có thẩm quyền mới được phép ban hành ưu đãi chứng nhận xuất xứ. Trong loại hình này, dường như không có xu hướng rõ ràng về công ty phát hành chứng chỉ xuất xứ. Bộ phận phát hành có thể là Hải quan, các bộ thương mại hoặc các cơ quan tư nhân được ủy quyền.

Như vậy, hơn nửa số FTA đưa ra quy trình thủ tục cấp chứng nhận khác nhau cho phép thương nhân lựa chọn phương án phù hợp với mình. Với việc được lựa chọn linh hoạt này dẫn đến tăng tính thân thiện với người dùng và tạo thuận lợi thương mại.

Công bố nghiên cứu năm 2020 này cũng chỉ ra xu hướng mới về áp dụng hệ thống thông tin theo chuỗi đối với quy trình tự chứng nhận xuất xứ. Việc áp dụng hệ thống thông tin theo chuỗi được ứng dụng trong phát hành và trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử sẽ hạn chế việc chứng nhận xuất xứ bị giả mạo cũng như xác minh xuất xứ của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, nếu các bên tham gia giao dịch hàng hóa thực hiện rộng rãi hơn việc trao đổi dữ liệu về xuất xứ từ thời điểm hàng hóa được sản xuất hoặc thu hoạch cho đến tất cả các giai đoạn tiếp theo của quá trình xử lý, tận đến khâu giao đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thì thông tin về chứng nhận xuất xứ có thể dựa vào hệ thống dữ liệu theo chuỗi để xác định trực tiếp tại cửa khẩu mà không cần cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Đây có thể là một xu hướng có tính tiến bộ to lớn không chỉ tạo thuận lợi thương mại mà còn tăng cường tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Sự ra đời của các công nghệ mới (blockchain, Bigdata, 5G…) có thể hỗ trợ cả thủ tục xác nhận xuất xứ và chứng nhận xuất xứ. Theo WCO hiện đã có nhiều dự án thí điểm việc sử dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực này./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam