Nghị định mới về thuế: Nhà nước nhận phần thiệt!

15:52 | 07/10/2014 Print
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng với Nghị định mới được ban hành về thuế, Nhà nước đã chịu thiệt thòi để nhường phần thuận lợi cho doanh nghiệp.

cắt giảm thủ tục thuế

>> Những điều chỉnh quan trọng về thuế tại Nghị định 91/2014/NĐ

Bà Cúc nhận xét đây là lần đầu tiên có một nghị định sửa cùng lúc 4 nghị định, là bước đột phá của Chính phủ để cắt giảm thời gian nộp thuế.

Bà phân tích kỹ hơn một số điểm mới nổi bật nhất trong Nghị định 91/2014/NQ-CP, người nộp thuế được lợi như thế nào và Nghị định có giải pháp gì để hạn chế việc lạm dụng các ưu đãi đó.

Giảm rất nhiều lần kê khai thuế

Theo bà Cúc, chuẩn bị thủ tục kê khai thuế lâu nay chính là khâu khiến doanh nghiệp mất thời gian nhất, “khốn khổ” nhất trong thủ tục thuế. Nghị định 91 có nhiều quy định để giảm bớt gánh nặng này.

Trước hết là quy định trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng trả chậm, trả góp thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Bà Cúc cho biết theo các luật thuế, chỉ cần hàng hóa chuyển quyển sở hữu, sử dụng, tức khi hàng được chuyển lên xe người mua đã là thời điểm xác định doanh thu để tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNDN. Tuy nhiên, theo hợp đồng mua bán, trường hợp trả góp trả chậm hiện nay rất phổ biến. Theo quy định trước đây về hướng dẫn luật thuế GTGT, đối với bán hàng trả chậm, trả góp hợp đồng mua bán quy định thanh toán qua ngân hàng và thời hạn trả tiền, thì doanh nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nhưng đến hạn thanh toán mà vì lý do nào đó chưa thanh toán được thì phải loại trừ thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, đến khi doanh nghiệp thanh toán tiền hàng lại cho kê khai thuế đầu vào bổ sung. Doanh nghiệp phải kiểm tra đối soát từng hợp đồng, hoá đơn, theo dõi tiền về hay chưa để loại trừ hoặc bổ sung, rất mất thời gian cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 219/2013/TT- BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Trước đây doanh nghiệp phải điều chỉnh với thời hạn thanh toán chậm trả của từng hợp đồng, thì với Thông tư này, doanh nghiệp chỉ phải điều chỉnh 1 lần trong cả năm, nhưng vẫn phải kiểm tra, đối chiếu lại tất cả các hợp đồng trả chậm, trả góp chưa thanh toán trong năm để điều chỉnh cuối năm. Thông tư 119/2014/TT- BTC nhằm đơn giản hoá thủ tục thuế cũng chỉ bỏ thêm quy định phải ghi chú trên Bảng kê hóa đơn GTGT đầu vào về thời hạn thanh toán theo hợp đồng đối với hợp đồng thanh toán trả chậm.

Với Nghị định 91 thì khác: Trong trường hợp này, đương nhiên doanh nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không cần phải kê khai bổ sung, điều chỉnh khi đến hạn, hết năm mà chưa thanh toán được tiền như trước kia. Đương nhiên, nếu doanh nghiệp thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ bị loại trừ tiền thuế GTGT đã khấu trừ và xử lý theo quy định của luật quản lý thuế. “Quy định này rất phù hợp, doanh nghiệp rất mong đợi”, bà Cúc nói.

Cùng với đó, Nghị định cho phép các doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỷ đồng được kê khai thuế GTGT theo quý thay vì kê khai hàng tháng. Trước đây chỉ các doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng mới được khai theo quý.

Bà Cúc cho biết quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm số lần kê khai (từ 12 lần còn 4 lần mỗi năm) mà còn giúp doanh nghiệp được sử dụng số tiền thuế thêm một thời gian nữa, nói nôm na là Nhà nước cho doanh nghiệp vay không lãi suất.

Cũng liên quan đến kê khai thuế, trước Nghị định 91, doanh nghiệp phải kê khai tạm nộp thuế TNDN theo quý, tờ khai gồm trên 40 tiêu thức phải kê khai, phải tính toán các khoản chi phí, doanh thu… Nghị định mới đã bỏ thủ tục kê khai theo quý, doanh nghiệp căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh để tự xác định số TNDN tạm nộp hàng quý.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn, chỉ nộp trước một ít tiền thuế, Nghị định đưa ra một chốt chặn: Nếu doanh nghiệp chỉ tạm nộp 4 quý chiếm tỷ trọng dưới 80% số tiền phải nộp theo quyết toán năm thì phần chênh lệch đó phải chịu lãi chậm nộp.

“Nhà nước giao anh chủ động, tạo điều kiện cho anh thì anh cũng phải tính toán làm sao để không phụ chính sách của Nhà nước”, bà Cúc phân tích.

Nhân văn

Trước đây, cộng đồng doanh nghiệp rất băn khoăn khi một số khoản chi phí phát sinh trong thực tế mang tính chất phúc lợi như tiền phúng điếu khi bố mẹ người lao động qua đời, tiền thưởng con người lao động học giỏi… lại không được trừ vào chi phí khi tính thuế TNDN.

Nghị định 91 đã cho phép doanh nghiệp hạch toán vào chi phí các khoản chi này, mức tối đa là không quá 1 tháng lương/ năm. Bà Cúc đánh giá đây là một quy định mang tính nhân văn.

Liên quan đến người lao động, về thuế TNCN, Nghị định cho phép được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản lợi ích nhận được là nhà ở do doanh nghiệp xây dựng cho công nhân tại các KCN, KKT.

Hiện nay khi công nhân được ở nhà do doanh nghiệp xây dựng cho thì vẫn phải coi đây như một khoản thu nhập chịu thuế. Bà Cúc cho rằng quy định mới không chỉ có lợi cho người nộp thuế mà doanh nghiệp cũng không phải mất công sức để tính toán cụ thể mỗi công nhân được thêm bao nhiêu “thu nhập” từ khoản này.

Hài hòa và công bằng hơn

Nghị định có nhiều quy định mới về ưu đãi thuế theo hướng hài hòa, công bằng hơn cho các đối tượng doanh nghiệp.

Theo các quy định của Luật thuế TNDN và các luật sửa đổi bổ sung thì hoạt động đầu tư mở rộng, đầu tư trong KCN từ 2009-2013 không được ưu đãi thuế, nhưng trong giai đoạn 2004- 2008 và từ 1/1/2014 lại được ưu đãi thuế. Nghị định mới lần này đã sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục phần nào bất cập này.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, KCN nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi sẽ không được ưu đãi thuế, bao gồm cả những địa bàn vừa mới được nâng cấp thành đô thị loại 1… Khi doanh nghiệp đầu tư vào các KCN tại đây thì những nơi này còn rất hoang sơ, để rồi khi những nơi này trở thành quận, thành phố thì doanh nghiệp lại không được ưu đãi vì nằm ở địa bàn có điều kiện thuận lợi. Do đó, Nghị định quy định, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi không bao gồm các quận, các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 1/1/2009, tức là doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuế nếu ở trên địa bàn này.

Từ kiến nghị của doanh nghiệp, Nghị định cũng quy định rõ: Dự án đầu tư của doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế giai đoạn 2009-2013 có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên này cũng được hưởng ưu đãi thuế… Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo quy mô vốn…, nhưng doanh nghiệp mua thêm máy móc, thiết bị, tài sản cố định thì phần tăng thêm đó lại không được ưu đãi, trong khi lẽ phải khuyến khích, bà Cúc phân tích.

Đặc biệt, các quy định về thuế TNDN trong Nghị định có tính chất hồi tố, tức Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2014 nhưng các ưu đãi mới có hiệu lực về trước, áp dụng cho năm tính thuế 2014.

Tổng thể lại, bà Cúc cho rằng Nghị định đã hiện thực hóa một quan điểm rất mới, đó là ban hành chính sách phải hướng tới đối tượng thực hiện, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong giảm thiểu thủ tục hành chính.

Với Nghị định mới, Nhà nước sẽ chịu phần thiệt, trước mắt ngân sách có thể giảm một phần nhưng về lâu dài, khi gánh nặng của doanh nghiệp bớt đi, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ thì ngân sách sẽ thu được nhiều hơn. “Đó chính là khoan thư sức doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu”, bà Cúc chốt lại./.

Theo Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam