Tạo thuận lợi cho DN với 8 điểm mới trong Luật Hải quan 2014

18:14 | 02/07/2014 Print
Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Hải quan (2001) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước đòi hỏi hiện đại hóa hải quan, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới. Xuất phát từ thực tế trên, ngày 23/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Tổng cục Hải quan

Ngành Hải quan đang chuyển mạnh sang phương thức khai báo hải quan hiện đại thay thế khai báo thủ công truyền thống. Ảnh: Hải Anh

Thay đổi căn bản hoạt động hải quan

Theo đánh giá của giới chuyên môn và dư luận, Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 08 chương,104 điều đã có nhiều điểm mới tích cực so với trước đây, làm thay đổi cơ bản hoạt động quản lý của cơ quan hải quan theo hướng công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu với 8 điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, quy định tại (Điều 28), Luật Hải quan 2014 đã thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử.

Theo đó, Luật quy định việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 31).

Thứ hai, Luật Hải quan 2014 áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan (Điều 16).

Luật Hải quan bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, theo đó, việc quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa căn cứ vào kết quả thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro.

Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực ở những nơi rủi ro cao, giảm ở những nơi có rủi ro thấp, khắc phục tình trạng gian lận; góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở phương thức quản lý hải quan hiện đại.

Thứ ba, Luật Hải quan 2014 (từ Điều 77 đến Điều 82) quy định cụ thể hoạt động kiểm tra sau thông quan để DN có thể giám sát việc thực thi của cơ quan hải quan.

Điều 32 Luật Hải quan 2001 quy định về kiểm tra sau thông quan nhưng chưa quy định rõ về địa điểm tiến hành kiểm tra sau thông quan, quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra sau thông quan nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại các Điều từ 77 đến Điều 82 quy định rõ về kiểm tra sau thông quan tập trung vào một số nội dung về: các trường hợp kiểm tra sau thông quan, địa điểm kiểm tra; nội dung kiểm tra, cách thức xử lý kết quả kiểm tra; thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan. Quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của trưởng đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan.

Thứ tư, Luật Hải quan 2014 bổ sung khái niệm “cơ chế một cửa quốc gia” (Điều 4); quy định trách nhiệm các Bộ, ngành trong việc gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp (Điều 23).

Luật Hải quan 2014 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra (Điều 34). Điều này cho phép DN nhận được phản hồi ý kiến của cơ quan chuyên trách một cách rõ ràng, có thời hạn đối với hàng hóa của mình.

Tăng cường chủ động của DN

Điểm mới thứ năm, Luật sửa đổi quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính (Điều 23).

Theo đó, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan, đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan giao Bộ Tài chính quy định cụ thể trường phải nộp hoặc xuất trình phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

Luật Hải quan quy định về hồ sơ hải quan theo hướng giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết phải nộp khi làm thủ tục hải quan đối với các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép XK, NK, các văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành...).

Bên cạnh đó, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử.

Thứ sáu, Luật Hải quan 2014 bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp luật để cơ quan hải quan thực hiện cơ chế xác định trước cho DN về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (Điều 26, Điều 27).

Thực hiện quy định này giúp DN chủ động tính toán trước chi phí kinh doanh, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, giúp cơ quan hải quan rút ngắn thời gian thông quan; đồng thời cũng hạn chế các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp về mã số hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hoá nhằm tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Nội dung này cũng được quy định tại Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN.

Thứ bảy, Luật Hải quan 2014 quy định chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho DN đáp ứng đủ điều kiện (Điều 42).

Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho DN có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị DN tốt; đồng thời để tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như hải quan các nước, Luật đã bổ sung nội dung quy định rõ chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp, điều kiện áp dụng, quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.

Thứ tám, cho phép khai bổ sung nội dung đã khai trên tờ khai hải quan sau khi hàng hoá đã thông quan (Điều 28).

Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung quy định khai bổ sung để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và thống nhất với Luật Quản lý thuế, khắc phục các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phù hợp với các khuyến nghị tại Công ước Kyoto và Luật Hải quan một số nước, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các Doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam