Đề nghị khởi tố hàng loạt vụ buôn lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng

10:07 | 11/04/2014 Print
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, đơn vị đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu làm rõ vi phạm để khởi tố các vụ án buôn lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng. Hồ sơ các vụ án đang được hoàn tất để chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị khởi tố.

Cục Điều tra chống buôn lậu

Thiết bị y tế cũ đã được cơ quan hải quan tiến hành giám định phục vụ công tác điều tra, khởi tố. Ảnh: Hải Anh

Bốn vụ việc cùng “chiêu thức”

Thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại. Tuy nhiên, đây lại là “mảnh đất màu mỡ" đối với các đối tượng dùng thủ đoạn "đội lốt" hàng mới để buôn lậu.

Từ cuối năm 2012, qua công tác nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện dấu hiệu vi phạm trong các lô hàng nhập khẩu khai báo là thiết bị y tế mới 100% (như máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy điện giải đồ,...), nhưng thực tế là các thiết bị y tế đã qua sử dụng.

Sau khi báo cáo và được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác lập chuyên án đấu tranh và thu được kết quả khả quan.

Liên tiếp trong các ngày 12 và 16/12/2013, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với lực lượng hải quan cửa khẩu để tiến hành kiểm tra, bắt giữ 2 lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng tại Cảng Hải Phòng và Sân bay quốc tế Nội Bài.

Tiếp tục, ngày 31/1/2014, Đội 1 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra, phát hiện lô hàng nhập khẩu 01 máy và các thiết bị xét nghiệm sinh hóa tự động, hiệu Hitachi 917. Kết quả khám xét cho thấy toàn bộ hàng hóa là thiết bị y tế đã qua sử dụng.

Gần đây, Cơ quan Hải quan tiếp tục phát hiện 02 container của một Công ty TNHH nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng, có chứa 02 máy sinh hóa đã qua sử dụng (xuất xứ từ CHLB Đức, Mỹ).

Đề nghị khởi tố hàng loạt vụ buôn lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng
Bộ Y tế sẽ tăng cường quản lý công tác cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế. Tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan; sẽ đề xuất với cơ quan hải quan có thể kiểm tra thực tế 100% thiết bị y tế nhập khẩu vào Việt Nam..." Trích phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến-tại phiên họp Ủy Ban thường vụ Quốc hội, ngày 1/4/2014.

Khi kiểm tra thực tế các lô hàng, 4 vụ việc nêu trên đều có chung một "đáp số", các DN nhập khẩu đều dùng chiêu thức khai báo mặt hàng được phép nhập khẩu là thiết bị mới 100% xuất xứ Nhật Bản, Đức, Mỹ (lô hàng không cần giấy phép hoặc có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế).

Tuy nhiên, hàng hóa lại là thiết bị y tế cũ, nát (thường là các máy xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết tương, huyết thanh, nước tiểu..., máy scan phim, máy in phim khô và máy nội soi).

Thậm chí, khi mở kiểm tra lô hàng nhập khẩu tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, trong thùng hàng chứa 1 máy nội soi đã qua sử dụng, có nhiều chi tiết ố vàng, bụi bẩn, có cả chuột chạy ra.

Cần bịt ngay sơ hở trong quản lý

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, tài liệu điều tra cho thấy các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng có những hạn chế trong công tác quản lý, cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế.

Một số DN mặc dù không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 24/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn nhập khẩu thiết bị y tế, nhưng vẫn được cấp phép.

Theo Thông tư 24, DN được phép nhập khẩu phải có nhân sự chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật là người có bằng đại học chuyên ngành điện tử y sinh học, vật lý y sinh học, đại học y, dược và có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành trang thiết bị y tế phù hợp với trang thiết bị y tế mà đơn vị đề nghị nhập khẩu,...

Hồ sơ xin phép nhập khẩu phải có Chứng nhận hợp pháp hoá lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại nước sản xuất và Giấy uỷ quyền của hãng sản xuất hoặc nhà phân phối hợp pháp cho đơn vị nhập khẩu,... Thiết bị y tế nhập khẩu phải được Hội đồng tư vấn cấp phép - Bộ Y tế thẩm định hồ sơ.

Điều tra của cơ quan hải quan đã xác minh, có vụ việc đối tượng đứng tên trong giấy phép kinh doanh, xin phép nhập khẩu chỉ có trình độ văn hóa 9/10 hoặc trung cấp.

Quan ngại hơn nữa, có thiết bị y tế nhập khẩu đã cũ, nát, cụ thể như máy soi sinh hóa hiệu Hitachi 911, 917…, ở nước ngoài đã dừng sản xuất từ năm 1998-1999, điều này đã được Hiệp hội thiết bị y tế Việt Nam cảnh báo, tuy nhiên vẫn được cấp phép nhập khẩu là máy mới?

Cơ quan hải quan cũng đã phát hiện một số bệnh viện tại Thanh Hóa, Hải Dương sử dụng các thiết bị y tế cũ nhập khẩu.

Qua những vụ việc trên, đã "lộ" rõ những sơ hở về quy định chặt chẽ trong việc cấp phép nhập khẩu cũng như thanh kiểm tra việc sử dụng thiết bị y tế sau khi nhập khẩu. Do đó, DN có thể "dễ dàng" xin phép nhập khẩu, "dễ dàng" tuồn các máy đã qua sử dụng vào các cơ sở y tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan hải quan trong việc kiểm soát, ngăn ngừa gian lận, buôn lậu.

Thiết nghĩ, việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, nhất là các sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, như trang thiết bị y tế đã qua sử dụng nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan hải quan, rất cần có sự tích cực vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chuyên ngành…

Việc ngăn chặn gian lận trong nhập khẩu thiết bị y tế đã và đang được lực lượng hải quan vào cuộc rất quyết liệt. Ngay từ đầu năm 2014, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có công văn yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra nhập khẩu trang thiết bị y tế, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 7/1/2014, Bộ Y tế có văn bản số 72/BYT-TB-CT, đánh giá cao sự vào cuộc thành công, phát hiện được nhiều vụ việc nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng của ngành Hải quan. Bộ Y tế đề nghị ngành Hải quan tăng cường công tác kiểm tra nhập khẩu trang thiết bị y tế.

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam