Giá dầu thế giới gần chạm mức cao nhất trong 13 tháng

10:14 | 17/02/2021 Print
Giá dầu thế giới đã lên gần mức cao nhất trong 13 tháng khi thời tiết lạnh giá khiến các giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas (Mỹ) đóng cửa.

Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Tehran, Iran

Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Tehran, Iran

Chốt phiên ngày 16/2, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1% lên 60,05 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 5 cent Mỹ (0,1%) lên 63,35 USD/thùng, gần mức đỉnh của 13 tháng đạt được trong phiên trước đó.

Chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena (Illinois) Jim Ritterbusch nhận định do thời tiết băng giá, một số nhà máy lọc dầu đã buộc phải đóng cửa để hạn chế tiêu thụ điện.

Các nhà phân tích của Rystad Energy ước tính thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm từ 500.000 - 1,2 triệu thùng. Công suất lọc dầu khoảng 3 triệu thùng/ngày cũng bị ảnh hưởng khi một số nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ ngừng hoạt động, bao gồm cả các cơ sở của Motiva Enterprises tại Port Arthur, Texas.

Những lo ngại về khả năng thắt chặt nguồn cung tại Trung Đông cũng gia tăng sau một vụ tấn công vào hai sân bay của Saudi Arabia.

Trong nhiều tháng qua, giá dầu đã tăng mạnh nhờ chương trình cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn và tiến triển trong quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19.

Dù vậy, nguồn cung dầu mỏ dự kiến sẽ mở rộng vào mùa Xuân năm nay giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu có khả năng nới lỏng chương trình giảm sản lượng sau tháng Tư với sự phục hồi của giá "vàng đen". Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn tỏ ra thận trọng về diễn biến của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 16/2 biến động trái chiều khi các nhà đầu tư đánh giá một loạt số liệu kinh tế.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 64,35 điểm, hay 0,2%, lên 31.522,75 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2,24 điểm, hay 0,06%, xuống 3.932,59 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 47,97 điểm, hay 0,34%, xuống 14.047,5 điểm.

Trong 11 lĩnh vực chủ chốt của chỉ số S&P 500, có 8 lĩnh vực chốt phiên trong sắc đỏ, với lĩnh vực dịch vụ công giảm mạnh nhất (1,14%). Cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng là nhóm tăng điểm mạnh nhất, với 2,26%.

Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ hầu hết tăng, với 7 trong 10 mã cổ phiếu dẫn dầu trong chỉ số S&P U.S. Listed China 50 chốt phiên cao hơn.

Về tình hình nền kinh tế, chi nhánh New York của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất Empire State, một số liệu chủ chốt để đánh giá mức độ tăng trưởng của các hoạt động kinh tế tại bang này, tăng lên 12,1 trong tháng 2/2021. Các nhà kinh tế trước đó dự báo chỉ số này sẽ ở mức 5,9. Mức trên 0 cho thấy tình hình có sự cải thiện.

Cùng ngày, giá vàng thế giới giảm 1,7% xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao hơn.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay hạ 1,2%, xuống 1.796,5 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2021. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng lùi 1,3%, xuống 1.799 USD/ounce.

Theo chiến lược gia về hàng hóa của TD Securities Daniel Ghali, vàng đang chuyển dần khỏi vai trò là một tài sản phòng ngừa lạm phát như phần lớn thời gian của năm 2020, tiếp tục trở thành một tài sản trú ẩn an toàn, khi lợi suất trái phiếu gia tăng.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam