Vì sao phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga?

15:45 | 02/04/2014 Print
Nhiều nước trên thế giới đã dùng luật và dùng thuế để hạn chế tiêu thụ đồ uống có ga, thức uống được cho là không tốt cho sức khoẻ. Ngày càng có nhiều quốc gia phải suy tính giữa cái lợi và cái hại mà ngành công nghiệp này mang lại cho xã hội.

Phản ứng từ phía doanh nghiệp

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang thu hút sự quan tâm từ nhiều phía sau khi Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến góp ý của dư luận. Đáng kể nhất là những ý kiến trái chiều về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% lên nước ngọt có ga.

Một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống đã phản ứng trước dự định áp thuế này. Cái lý của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống đưa ra là, nước ngọt có ga là một sản phẩm phổ thông, khi bị đánh thuế sẽ gây ra tác động đến nhiều đối tượng xã hội.

Đối tượng đầu tiên là người tiêu dùng. Biểu hiện của thuế TTĐB là tăng giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ là người chi trả trực tiếp cho thuế.

Đối tượng thứ hai là nhà phân phối. Phần lớn nước ngọt có ga được phân phối thông qua các nhà bán buôn và bán lẻ. Đối tượng tiếp theo là các ngành công nghiệp phụ trợ, nhà cung cấp như nông dân trồng mía, doanh nghiệp sản xuất nhãn mác, bao bì, chai thuỷ tinh, doanh nghiệp vận tải, v.v.

Ông Sesto Vecchi, Luật sư điều hành Công ty Russin & Vecchi (Mỹ) cho rằng, việc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt là không công bằng với nhà đầu tư nước ngoài, bởi 88% thị phần nước ngọt có gas hiện nay tại Việt Nam do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, và việc đánh thuế là đánh vào các doanh nghiệp này.

nuoc

Nước ngọt có ga được xem là một đồ uống không có lợi cho sức khỏe. Ảnh: TL

Đối với người tiêu dùng, ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, một thị trường tiêu thụ lớn mặt hàng này, thì dường như người tiêu dùng không quan tâm tới việc chuyện nước ngọt có bị tăng giá hay không bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu. Hơn nữa, theo chị Vũ Hương, Thanh Xuân, Hà Nội thì trước những thông tin về ảnh hưởng của nước ngọt có ga đối với sức khỏe thì gia đình chị cũng hạn chế sử dụng các loại đồ uống này.

Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Iceland; các nước châu Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, các nước châu Mỹ như Peru, Chile, Hoa Kỳ (với một số bang như: Arkansas, Tennessee, Virginia, và Tây Virginia) là những nước đang áp dụng thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng loại nước uống này.

Tại Châu Âu, thuế đồ uống áp dụng trên tất cả các mặt hàng có đường, nước ngọt – bao gồm cả nước có hương vị và nước hoa quả.

Lý do các nước này đã áp dụng thuế TTĐB là bởi số lượng người mắc bệnh béo phì đã lên tới mức đáng lo ngại...

Đánh thuế là bảo vệ người tiêu dùng

Theo Bộ Tài chính, tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít vì vậy việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, nước ngọt có ga không cồn là đồ uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là trẻ em và một số lượng lớn được tiêu thụ hàng năm. Trong nước ngọt có ga không cồn, có những chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản và chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức, như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư… Vì vậy việc định hướng thói quen tiêu dùng đối với loại sản phầm này là rất cần thiết để tránh gây ảnh hướng đến sức khoẻ.

Thực tế cho thấy, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Iceland; các nước châu Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, các nước châu Mỹ như Peru, Chile, Hoa Kỳ (với một số bang như: Arkansas, Tennessee, Virginia, và Tây Virginia) là những nước đang áp dụng thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng loại nước uống này.

Tại Châu Âu, thuế đồ uống áp dụng trên tất cả các mặt hàng có đường, nước ngọt – bao gồm cả nước có hương vị và nước hoa quả.

Lý do các nước này đã áp dụng thuế TTĐB loại nước uống trên là bởi số lượng người mắc bệnh béo phì đã lên tới mức đáng lo ngại. Tại bang Tennessee, Mỹ, thuế đồ uống được đánh trên tất cả đồ uống đóng hộp có đường, ngoại trừ đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng và các đồ uống không có calo.

Tại Pháp thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có ga đã được áp dụng từ đầu năm 2012 . Đầu năm nay, Thượng viện Pháp còn đề nghị tăng gấp 4 lần thuế giá trị gia tăng áp vào đồ uống có ga, từ mức 5,5% hiện nay lên tới 20%. Mục đích chính của việc tăng thuế là làm cho đồ uống có ga trở nên đắt hơn khiến người mua phải suy tính nhiều hơn trước khi quyết định mua, hoặc nếu có mua, thì số lượng ít hơn. Mục đích phụ là thu được thêm tiền cho ngân sách, hỗ trợ cho điều trị bệnh béo phì và bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng, mà nước có ga là một trong những nguyên nhân chính.

Ngoài cách dùng thuế cao để hạn chế tiêu dùng, một số nước, như Thuỵ Điển và Anh, đã ra luật bắt buộc các hãng sản xuất nước có ga phải ghi rõ trên vỏ lon hay vỏ chai, cảnh báo phụ nữ có thai hay cho con bú và trẻ em không nên dùng sản phẩm này. Vương quốc Bỉ thì đang xem xét một dự luật cấm đặt máy tự động bán đồ uống có ga trong các trường học.

Như vậy, việc Việt Nam đánh thuế TTĐB lên đồ uống có ga không phải là cá biệt. Phản ứng của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu bởi các doanh nghiệp lo ngại về sự tác động đến thị trường tiêu thụ đồ uống có ga, ảnh hưởng đến “túi tiền” của mình.

Tuy nhiên với cơ quan quản lý, thì còn phải suy tính cái lợi mà ngành công nghiệp này mang lại cho xã hội liệu có đủ để bù đắp cho cái hại, khi mà cuối cùng thì chi phí điều trị béo phì và tim mạch vẫn phải do người tiêu dùng và ngân sách Nhà nước cáng đáng./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam