Thu thuế xuất nhập khẩu: Áp lực chặng về đích

14:55 | 05/09/2013 Print
8 tháng của năm 2013, số thu ngân sách của ngành Hải quan mới đạt 141.100 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán. Áp lực thu thuế xuất nhập khẩu đã và đang gia tăng, mặc dù, ngành Hải quan cũng đang rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khai thác nguồn thu.

Ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu thuế và chống thất thu thuế trong những tháng cuối năm. Ảnh: Ngọc Linh

Đối mặt với thách thức

Theo Tổng cục Hải quan, áp lực thu ngân sách ngày càng gia tăng, tiến độ thu đạt thấp chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm đáng kể (thiết bị máy móc, tạo tài sản cố định, ô tô, linh kiện ô tô, xe máy…).

Hơn nữa, tình hình doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động diễn ra trên toàn quốc làm cho công tác thu ngân sách ngày càng khó khăn.

Theo ngành Hải quan, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 51.000 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách 90.100 tỷ đồng, thực tế dự toán thu 8 tháng qua của ngành chỉ đạt 54,1%.

Trước thực tế này, ngành Hải quan tiếp tục triển khai các đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố cùng với các đơn vị hải quan nắm bắt tình hình và đánh giá hiệu quả của Luật Quản lý thuế tác động đến nhiệm vụ thu ngân sách.

Ngành sẽ tiến hành rà soát, xác định lại chỉ tiêu thu ngân sách giao cho từng địa phương trên cơ sở số thực thu 2012 và theo nguyên tắc những địa phương được giao chỉ tiêu thấp hơn tỷ lệ chung, thì trình Bộ Tài chính có văn bản giao chỉ tiêu bổ sung.

Tổng cục Hải quan đã và đang rà soát, sửa đổi chính sách liên quan đến quản lý hải quan đối với xăng dầu, xe ngoại giao, tài sản di chuyển; Quản lý hải quan đối với dầu thô nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu, máy móc thiết bị của hoạt động dầu khí… bảo đảm quản lý, giám sát được việc nhập khẩu dầu thô để thu đúng, đủ các loại thuế.

Trên cơ sở phân tích kim ngạch chịu thuế, mức thuế suất thuế XK, NK ảnh hưởng đến số thu đối với một số mặt hàng như: thuế XK than, quặng Apatit, thuế NK vàng, thuế NK hương liệu và hóa chất để sản xuất đồ uống, xăng dầu…, ngành có kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất phù hợp.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Thực hiện nghiêm Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thủ tục hải quan điện tử; Mở rộng điều kiện, tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên làm thủ tục hải quan...

Kiên trì thực hiện mục tiêu thu ngân sách

Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã khẳng định, tạo mọi điều kiện để ngành Hải quan hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo phương châm thu đúng, thu đủ, chính xác, phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán được giao; tập trung nguồn lực cho công tác chống buôn lậu, chống gian lận thuế và thu hồi nợ đọng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã có chỉ đạo, yêu cầu các cục hải quan địa phương, các đơn vị phải kiên trì với các giải pháp đề ra như chống gian lận thương mại, gian lận qua giá, mã, C/O…; quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi nợ, đảm bảo cố gắng duy trì số nợ đọng dưới 3% so với số thu ngân sách.

Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, tránh thất thu, giao chỉ tiêu thu qua công tác này tăng 30% so với số đã thực thu năm 2012. Quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thu ngân sách.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng than từ 20% xuống 10%, có hiệu lực từ 1/9/2013.

Việc giảm thuế xuất khẩu mặt hàng than đá nhằm chia sẻ khó khăn của Nhà nước với doanh nghiệp sản xuất than, giải phóng tồn kho, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhẩu của doanh nghiệp.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam