Sáng tạo, quyết tâm vượt khó đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách

15:40 | 06/08/2021 Print
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến, đánh giá tình hình thực hiện công tác 7 tháng và triển khai các chương trình kế hoạch công tác tháng 8. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì và điều hành hội nghị.

Cân đối ngân sách trong 7 tháng đầu năm có thặng dư

Tại hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 7 và phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong tháng 8 đối với các lĩnh vực quản lý như: thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước, quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; quản lý dự trữ nhà nước…

Theo báo cáo, trong tháng 7/2021, với bối cảnh kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa và cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị trong Bộ Tài chính đã bám sát chương trình công tác của Bộ, của Chính phủ, Quốc hội để triển khai thực hiện tốt công việc được giao, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Qua tổng hợp báo cáo nhanh từ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách nhà nước cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 7/2021 ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt 912,9 nghìn tỷ đồng, sát với dự báo, đạt gần 68% dự toán.

Trong đó, tổng thu NSNN do ngành Thuế thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 777.456 tỷ đồng, bằng 69,6% dự toán và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Có 57/63 tỉnh, thành phố hoàn thành thu ngân sách trên 60% dự toán.

Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 810,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 35,5% dự toán Quốc hội quyết định, chi thường xuyên đạt 55,2% dự toán.

Tổng thể cân đối của NSNN trong 7 tháng đầu năm có thặng dư. Tổng tiết kiệm chi theo Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ đạt khoảng 13,31 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương được khoảng 7,31 nghìn tỷ đồng, còn ngân sách địa phương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Chung sức, chung lòng để hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét, trong tháng 7, toàn ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, Bộ Tài chính thực hiện kịp thời, nhanh các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản tham mưu về chính sách tài chính, ngân sách có chất lượng, chính xác.

bộ tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu khai mạc cũng như kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đều lưu tâm tới công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng, toàn ngành Tài chính gần 7 vạn cán bộ, nhiều đơn vị thường xuyên tiếp xúc với dân, khách hàng và doanh nghiệp. Chính vì vậy, lãnh đạo các đơn vị cần chỉ đạo sát sao, đồng thời phải có các biện pháp để phòng, chống dịch một cách tốt nhất, tránh tối đa lây nhiễm dịch bệnh trong cơ quan của mình.

Cũng theo Bộ trưởng, các đơn vị phải tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tham mưu trình Bộ kịp thời đối với các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo các nội dung yêu cầu, đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Đề cập tới một số nhiệm vụ chính trong tháng 8 và những tháng tiếp theo, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ, có trách nhiệm hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao đảm bảo về thời hạn, nội dung, chất lượng, nhất là các đề án trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trụ cột chính của ngành Tài chính chính là thu - chi ngân sách.

Theo Bộ trưởng, thu ngân sách đứng trước khó khăn, thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi quyết tâm cao, phương pháp tốt và sự sáng tạo.

Do vậy, Bộ trưởng chỉ đạo, ngành Thuế tăng cường công tác quản lý thu; đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu thu hồi nợ đọng thuế; cơ quan thuế các cấp cần siết chặt quản lý việc hoàn thuế; đôn đốc nộp sớm các khoản cổ tức và lợi nhuận còn lại; chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách; tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thu ngân sách trên nền tảng số. Cùng với đó, ngành Thuế cũng cần đẩy nhanh việc triển khai hóa đơn điện tử.

Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục Hải quan khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 3 nghị định (quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia).

Tổng cục Hải quan cũng cần tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường phòng ngừa rủi ro, quản lý tốt ngân quỹ của nhà nước, đảm bảo thuận lợi cho thu ngân sách, không gây khó khăn trong kiểm soát chi.

Bộ trưởng lưu ý Kho bạc Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ phương án phát hành trái phiếu chính phủ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng phát hành thừa, lãng phí nguồn lực NSNN...

Bộ trưởng cũng yêu cầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua đủ hàng dự trữ quốc gia, xuất cấp lương thực, vật tư dự trữ quốc gia kịp thời đúng quy định, xây dựng giá phải sát, đúng trong đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về các lĩnh vực như: quản lý nợ, tài chính ngân hàng, tài chính doanh nghiệp,.../.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam