Xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia hiện đại, đồng bộ

10:26 | 04/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trong quá trình xây dựng và phát triển, Tổng cục dự trữ (DTNN) luôn quan tâm, chú trọng công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật kho tàng.

Thủ kho kiểm tra ngoại quan gạo 100% trước khi nhập kho dự trữ.

Thủ kho kiểm tra ngoại quan gạo 100% trước khi nhập kho dự trữ. Ảnh: Tuyển Triệu

Nhờ đó, đến nay Hệ thống kho DTNN được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại và được bố trí theo ngành, vùng chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTNN.

Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động DTNN, ngay sau khi Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI – năm 2004) thông qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia; Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý.

Ngày 7/1/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-BTC phê duyệt “Quy hoạch xây dựng hệ thống kho dự trữ giai đoạn 2003 - 2010” với mạng lưới gồm 62 điểm kho trong toàn quốc và tích lượng tối thiểu từ 5.000 tấn trở lên. Bắt đầu từ quy hoạch này, ngân sách Nhà nước đã đầu tư xây dựng các dự án kho theo công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-BTC ngày 17/2/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020 (bao gồm toàn bộ hệ thống kho chứa do 9 bộ, ngành quản lý), được định hướng bố trí trên 8 vùng kinh tế - xã hội của cả nước là Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Căn cứ quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-BTC ngày 10/6/2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTNN thuộc Tổng cục DTNN đến năm 2020, làm cơ sở tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống kho dự trữ và đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành. Theo đó quy hoạch gồm 88 điểm kho lương thực, vật tư, 18 điểm kho muối, tổng tích lượng 1.300.000 tấn kho, tổng mức đầu tư là 7.700 tỷ đồng.

Hoàn thành các mục tiêu đề ra

Triển khai quy hoạch được duyệt, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực tích cực triển khai công tác mở rộng, xin đất xây dựng kho và coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng cơ sở vật chất của ngành. Mặc dù trong quá trình triển khai các địa phương còn nhiều khó khăn do các thủ tục trong lĩnh vực đất đai và đầu tư xây dựng còn phức tạp nhưng Tổng cục DTNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện hoàn thành từng bước mục tiêu đề ra.

Kết quả triển khai đến nay đã có trên 30 điểm kho đã được cơ quan có thẩm quyền địa phương thỏa thuận cấp đất, trong đó có 14 điểm kho đã hoàn thành công tác mở rộng, xin đất mới. Giai đoạn năm 2004 đến nay Tổng cục đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 26 dự án đầu tư xây dựng kho tàng giai đoạn 1 với tích lượng hơn 200.000 tấn kho, đối với các công trình nâng cấp, cải tạo kho dự trữ đã hoàn thành 43 công trình với tích lượng hơn 109.000 tấn, 9 dự án trụ sở làm việc các Cục DTNN khu vực với tổng diện tích gần 30.000 m2.

Đặc biệt trong năm 2019, được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Tài chính, Tổng cục đã được phê duyệt bổ sung 20 công trình cải tạo, sửa chữa lớn kho lương thực sử dụng nguồn vốn ngành Thuế chuyển sang. Qua đó, hệ thống cơ sở vật chất ngành đã từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại đáp ứng ứng các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Tổng cục DTNN, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai quy hoạch cũng như tăng cường cơ sở vật chất cho ngành trong giai đoạn sắp tới. Ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư xây dựng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về hệ thống kho dự trữ quốc gia hiện đại, quy mô, tập trung, phân bố các vùng chiến lược theo quy hoạch, theo chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia. Quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTNN đến năm 2020 đã được Bộ Tài chính phê duyệt (tại Quyết định số 403/QĐ-BTC ngày 10/6/2013) tổng mức đầu tư là 7.700 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn lực bố trí cho công tác đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG còn thấp nên tiến độ thực hiện theo quy hoạch còn chưa đảm bảo, đến nay mới được khoảng 21%.

Bên cạnh đó, quỹ đất phù hợp với đầu tư xây dựng kho dự trữ tại một số địa phương còn hạn chế, công nghệ bảo quản, đầu tư xây dựng kho cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.

Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc

Để đồng bộ trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ, Tổng cục đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc và lựa chọn phê duyệt mô hình dự án mẫu đối với các dự án đầu tư xây dựng Kho DTNN. Điểm nổi bật nhất khi áp dụng mô hình dự án mẫu đối với dự án đầu tư xây dựng kho là kho lương thực áp dụng phương pháp bảo quản kín trong kho, không lắp đặt thiết bị bảo quản. Nhờ đó việc lập, điều chỉnh các dự án sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí đầu tư và tạo ra hệ thống kho đảm bảo an toàn, hiện đại. Mô hình thiết kế kho mẫu được áp dụng để đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ và nhà điều hành tại các chi cục, giúp tăng cường công tác tác giám sát, kiểm tra lĩnh vực đầu tư xây dựng ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư.

Thế Quân

Thế Quân

© Thời báo Tài chính Việt Nam