Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi lốp xe tải đặc chủng

18:34 | 02/08/2021 Print
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng lốp xe tải đặc chủng từ 20% xuống còn 10%, nhằm góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành khai khoáng vốn đang gặp khó khăn như hiện nay.

xe tải

Nhiều sản phẩm lốp xe đặc chủng trong nước chưa sản xuất được nên doanh nghiệp phải bỏ số tiền lớn để nhập khẩu. Ảnh: TL.

Đề nghị giảm thuế như mặt hàng có kỹ thuật tương tự

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Công ty Vinacomin đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với lốp xe tải đặc chủng.

Cụ thể, công ty này đề nghị xem xét mã số HS của mặt hàng lốp xe tải đặc chủng và xem xét điều chỉnh giảm thuế MFN đối với mặt hàng lốp đặc chủng thuộc mã số HS 4011.80.29 hiện đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%. Trong khi đó, mặt hàng xe ô tô tải chở hàng 4011.20.90 có bản chất và tính năng kỹ thuật tương tự mã 4011.80.29 nhưng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 10%.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng lốp xe ô tô như sau: Lốp xe dùng cho ô tô chở hàng, ô tô khách có chiều rộng trên 450mm, mã số 4011.10.29, thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 10%.

Lốp xe dùng cho xe hoặc máy xây dựng, hầm mỏ hoặc xếp dỡ công nghiệp có kích thước vành trên 61 cm đang được xếp vào mã HS 4011.80.29, thuế MFN là 20%.

Ngoài ra, mức thuế suất FTA theo Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản là 2% và 5% (tùy hình dạng hoa lốp), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hồng Kông là 12%, Hiệp định Việt Nam - Chi lê là 20%, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc là 0%.

Theo kiến nghị của Công Vinacomin, loại lốp xe dùng cho các xe chuyên dụng trong hầm lò (khai thác than, khoáng sản) hiện trong nước chưa có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và chất lượng. Trong khi đó, lốp xe tải hay xe con thì trong nước đã sản xuất được và phổ biến hơn, yêu cầu kỹ thuật không khắt khe như các loại dùng khai thác mỏ nhưng lại đang có mức thuế suất thuế MFN thấp hơn (10%).

Giảm thuế hỗ trợ chi phí đầu vào cho ngành khai khoáng

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, tại Biểu thuế có quy định áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với các máy móc, thiết bị phòng nổ dùng cho khai thác than trong hầm lò. Như vậy, đối với mặt hàng dùng cho khai thác than cũng đã có chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, mặt hàng lốp xe dùng cho xe chuyên dùng trong hầm lò hiện có mức thuế nhập khẩu 20%, cao hơn gấp đôi so với lốp xe con, xe tải (10%) thì chưa phù hợp do đây là mặt hàng phục vụ cho sản xuất và ngành khai thác cần được ưu đãi hơn. Đây là mặt hàng mà theo phản ánh của doanh nghiệp trong nước cũng chưa sản xuất được.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng này từ 20% xuống 10% (mã số 4011.80.29) để thống nhất với nhóm lốp xe ô tô khách, ô tô chở hàng có chiều rộng trên 450mm, đồng thời góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành khai khoáng vốn đang gặp khó khăn như hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách không đáng kể do mặt hàng này đang chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc có thuế nhập khẩu 0% và Nhật Bản có thuế nhập khẩu 2% và 5%.

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu MFN có thể khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu từ các thị trường khác như châu Âu hay Hoa Kỳ, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường mới (ngoài Trung Quốc) để có sản phẩm chất lượng hơn, giá thành cạnh tranh hơn, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường.

Đồng thời, việc giảm thuế sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP là điều chỉnh giảm thuế MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh.

Được biết, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng 3902.10 vào năm 2020 khoảng 1,14 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng 3902.10 đạt 600 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam