Thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dự trữ quốc gia: Kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế

09:08 | 02/08/2021 Print
(TBTCVN) - Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ năm 2021 đã được phê duyệt; linh hoạt, ứng biến với tình hình dịch Covid 19…, trong 6 tháng đầu năm, công tác thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã đạt được những kết quả tích cực.

Đảm bảo hiệu quả quản lý hàng dự trữ quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất cấp.

Đảm bảo hiệu quả quản lý hàng dự trữ quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất cấp. Ảnh: Thanh Tùng

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục DTNN đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế để các đơn vị thực hiện tốt hơn công tác dự trữ quốc gia theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật.

Tích cực triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra

6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra nội bộ, nhờ đó những mặt công tác này đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, Tổng cục DTNN đã ký ban hành Kết luận thanh tra công tác xuất cấp hàng DTQG không thu tiền; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cứu trợ, hỗ trợ tại tỉnh Hà Giang, các đơn vị xuất cấp và tiếp nhận hàng DTQG. Trong đó, đã đưa ra 21 kiến nghị; kịp thời xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước gần 90 triệu đồng.

Trong điều kiện dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, Tổng cục DTNN đã chủ động chuẩn bị công tác tổng hợp, báo cáo khảo sát phục vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ theo kế hoạch chính thức; đồng thời theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương dự kiến triển khai thanh tra, kiểm tra.

Đề xuất các phương án ứng biến phù hợp trong điều kiện dịch bệnh

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) chỉ đạo tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia tại UBND tỉnh Sơn La và triển khai thanh tra chuyên ngành tại Bộ Quốc phòng; thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ, kiểm tra nội bộ tại Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên. Đồng thời tiếp tục chủ động đề xuất các phương án linh hoạt, ứng biến phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 cũng như chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

Theo kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2021 đã được phê duyệt (3 cuộc thanh tra, trong đó 2 cuộc chính thức và 1 cuộc dự phòng) hiện, Tổng cục DTNN đã và đang triển khai 1 cuộc thanh tra chuyên ngành tại UBND tỉnh Sơn La. Đồng thời, hoàn thành báo cáo khảo sát phục vụ thanh tra chuyên ngành tại Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra chuyên ngành. 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục DTNN đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại Cục Công nghệ thông tin, thống kê và kiểm định hàng dự trữ; cũng đã hoàn thành báo cáo khảo sát phục vụ kiểm tra chuyên ngành tại Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ.

Tổng cục DTNN đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra nội bộ và kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng; đã ban hành thông báo kết quả kiểm tra nội bộ tại Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh; thực hiện khảo sát phục vụ công tác kiểm tra nội bộ và kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2021 tại Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên.

Ngoài ra, Tổng cục DTNN đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra chuyên đề năm 2021 về việc quản lý, sử dụng kho DTQG của các Chi cục DTNN trực thuộc Cục DTNN khu vực tại 9 Cục DTNN khu vực: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Thái Bình và đã ban hành thông báo kết quả kiểm tra chuyên đề. Đến nay, theo báo cáo thực hiện kết quả kiểm tra gửi về, các đơn vị cơ bản đã thực hiện đầy đủ các kiến nghị sau kiểm tra.

Quản lý hiệu quả, tránh thất thoát

Đại diện Tổng cục DTNN cho biết, theo chức năng nhiệm vụ được giao, ngoài nhiệm vụ giúp Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về DTQG, Tổng cục DTNN còn phối hợp với các bộ ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế... để quản lý hàng DTQG.

Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý một lượng hàng DTQG lớn, với nhiều chủng loại mặt hàng, công nghệ bảo quản khác nhau. Trong khi đó, công tác bảo quản, xuất cấp hàng cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn luôn diễn ra đột xuất, nhưng mang tính thường xuyên hàng năm đòi hỏi cần phải có lực lượng thanh tra, kiểm tra sâu sát, đảm bảo hiệu quả quản lý, tránh tình trạng thất thoát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của địa phương và cá nhân nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.

Thực tế cho thấy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục DTNN đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế để các đơn vị thực hiện tốt hơn công tác DTQG theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật, góp phần hoàn thiện, củng cố, đảm bảo chất lượng công tác quản lý nhà nước trong hệ thống DTNN.

Phát huy kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục DTNN chỉ đạo tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành công tác quản lý hàng DTQG tại UBND tỉnh Sơn La và triển khai thanh tra chuyên ngành tại Bộ Quốc phòng; thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ, kiểm tra nội bộ tại Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên. Đồng thời tiếp tục chủ động đề xuất các phương án linh hoạt, ứng biến phù hợp trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 cũng như chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch./.

Thanh Thủy

Thanh Thủy

© Thời báo Tài chính Việt Nam