Bộ Tài chính tiên phong ban hành danh mục dữ liệu mở

08:56 | 02/08/2021 Print
(TBTCVN) - Triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiên phong ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu, Danh mục dữ liệu mở của Bộ Tài chính.

Infographic: HỒNG VÂN

Infographic: Hồng Vân

Đã ban hành danh mục 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Theo ông Nguyễn Việt Hà – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đề cập tới công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Việt Hà cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 12 CSDL chuyên ngành, trong đó đã có 6 CSDL chuyên ngành hoàn thành xây dựng, đưa vào triển khai và phát huy hiệu quả nhất định, gồm: CSDL quản lý kho bạc; CSDL quản lý hải quan; CSDL quản lý thuế; CSDL quản lý chứng khoán; CSDL quản lý giá; CSDL quản lý thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Các CSDL chuyên ngành được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, các CSDL chuyên ngành được xây dựng theo hướng đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

Công khai 25 dữ liệu mở chuyên ngành

Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, dữ liệu mở là một trong các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Nền tảng dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng, là sự kết nối giữa các ứng dụng được phát triển bởi các đơn vị trong ngành Tài chính và nguồn dữ liệu hiện sẵn có của Bộ Tài chính nhằm giảm chi phí trong việc tìm kiếm, tổng hợp dữ liệu và tăng hiệu quả trong quá trình quản lý.

Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu mở, triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 848/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị định số 47. Đồng thời, đơn vị cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) triển khai nhiều công việc liên quan, tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành Quyết định số 1374/QĐ-BTC ngày 21/7/2021 về ban hành danh mục CSDL, danh mục dữ liệu mở của Bộ Tài chính.

Các dữ liệu mở chuyên ngành của Bộ Tài chính được ưu tiên tập trung vào một số loại dữ liệu sau: Dữ liệu hiện tại đã được cung cấp dưới dạng thông tin công khai rộng rãi dưới dạng văn bản; các loại dữ liệu thống kê, dữ liệu đã được thông tin rộng rãi trên các trang/cổng thông tin điện tử,…

Danh mục dữ liệu mở của Bộ Tài chính có 25 dữ liệu, gồm: Các mức lãi suất phát hành công cụ nợ của Chính phủ; danh sách tài khoản của đơn vị kho bạc nhà nước mở tại ngân hàng thương mại; tỷ giá hạch toán ngoại tệ; dữ liệu về các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư; dữ liệu thống kê về giao dịch chứng khoán của thị trường chứng khoán. Tổng số lượng tờ khai theo đơn vị; tổng số lượng tờ khai theo năm. kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu theo đơn vị; kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu theo năm; thông tin đại lý làm thủ tục hải quan. Thông tin người nộp thuế; thông tin hộ khoán; quyết định cưỡng chế về hóa đơn; danh sách doanh nghiệp rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành; danh sách doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài; thông tin hóa đơn. Thông tin biên lai; thông báo phát hành hóa đơn của tổ chức/cá nhân; thông báo phát hành hóa đơn của cơ quan thuế; thông báo phát hành biên lai của tổ chức/cá nhân...

Quyết định nêu rõ các đơn vị thuộc Bộ, định kỳ 6 tháng/lần (trước ngày 20/6 và trước ngày 20/12 hàng năm) thực hiện rà soát, cập nhật danh sách danh mục dữ liệu mở do đơn vị quản lý, cung cấp hoặc khi có cập nhật (sửa đổi, bổ sung, thay thế) danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, đơn vị kịp thời gửi nội dung cập nhật tới Bộ Tài chính (Cục Tin học và Thống kê tài chính).

Cục Tin học và Thống kê tài chính định kỳ 6 tháng/lần (trước ngày 30/6 và trước ngày 31/12 hàng năm) tổng hợp, rà soát đề xuất của các đơn vị, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành văn bản cập nhật Danh mục dữ liệu mở của Bộ Tài chính (nếu có thay đổi). Rà soát, tổng hợp trình Bộ trưởng xem xét, ban hành văn bản cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, thời gian tối đa 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của các đơn vị về cập nhật (sửa đổi, bổ sung, thay thế) danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính.

Các dữ liệu mở của Bộ Tài chính hiện đang được cung cấp trên các Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của các ngành, như: Cổng TTĐT Bộ Tài chính (https://www.mof.gov.vn ); Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế (http://www.gdt.gov.vn), Cổng TTĐT Tổng cục Hải quan (https://www.customs.gov.vn); Cổng TTĐT Kho bạc Nhà nước: (https://vst.mof.gov.vn), Cổng TTĐT của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (https://www.ssc.gov.vn);...

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam