Bài 1: Bùng nổ thương mại điện tử và sự vào cuộc của ngành Thuế

11:07 | 30/07/2021 Print
(TBTCVN) - LTS: Thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực mới và đang phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, việc mua bán qua mạng internet càng trở nên phổ biến. Công tác quản lý thuế đối với hoạt động này đã được ngành Thuế đặc biệt quan tâm.

9

Biểu đồ: HỒNG VÂN

Tuy nhiên, để quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động TMĐT thì không chỉ có ngành Thuế, mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, đơn vị liên quan. Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải loạt bài với tiêu đề “Quyết liệt chống thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử”.

Do dịch Covid-19 bùng phát, để tránh tiếp xúc trực tiếp với người bán, nhiều người đã lựa chọn việc mua hàng online thay vì mua trực tiếp như trước đây. Từ mớ rau, con cá, quần áo, đến nhiều món đồ đắt tiền khác đều được người tiêu dùng mua qua mạng. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều kênh bán hàng online cũng xuất hiện, tạo nên sự bùng nổ của hình thức mua bán trực tuyến.

Mua “cả thế giới” qua mạng

Có lẽ nhiều người không còn bất ngờ khi lên mạng xã hội luôn bị các clip quảng cáo, bán hàng trực tuyến xuất hiện trên tài khoản cá nhân của mình. Từ bán hàng mỹ phẩm, đến quần áo, giày dép, đồ trang sức; thậm chí là các loại thực phẩm như thịt, cá, mắm… cũng đều được rao bán trên mạng.

Chị Tạ Ngọc Yến - một giáo viên mầm non tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đã rất lâu rồi chị mua sắm qua mạng mà không phải đi chợ như trước đây. Tại chung cư nơi chị ở có hẳn một group riêng, tất cả những công dân tại khu chung cư có sản phẩm gì từ quê mang lên đều được rao bán trên group này. Từ mớ rau, con cá, cân thịt lợn sạch, thậm chí những đồ dùng muốn thanh lý, có người bán nhà… cũng được cư dân đăng trên group này.

“Từ khi tôi chuyển đến sống ở chung cư, gia đình tôi toàn mua hàng qua mạng. Đến nỗi, lâu nay quen kiểu mua cả thế giới qua mạng, cái gì cũng ship tận cửa. Đồ ăn đều là thứ đã được lựa chọn ngon và sạch. Giờ cứ nghĩ đến việc phải đi chợ chọn đồ, phải mặc cả thấy ngại thật sự” - chị Yến chia sẻ.

Khảo sát cho thấy, những người có thói quen mua sắm online như chị Yến là khá phổ biến hiện nay. Nhiều lý do để họ mua hàng qua mạng, có thể do không phải mất thời gian đi lại, hoặc có thể do sự tiện lợi của công nghệ, chỉ cần vài phút lướt mạng và cái nhấp chuột là có thể chọn được món đồ như ý. “Tôi thấy việc mua bán qua mạng hiện nay khá văn minh, tôi có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa ở cơ quan để lên mạng mua sắm, vừa nhanh vừa tiện lợi” - Chị Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội nói.

Từ thực tế trên cho thấy, hoạt động kinh doanh TMĐT đang phát triển khá mạnh ở nước ta. Đặc biệt, sự phát triển của TMĐT ngày càng bùng nổ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm của Việt Nam năm 2020 là 41%; doanh thu từ hoạt động bán hàng trực tuyến của Việt Nam liên tục tăng trong các năm trở lại đây. Năm 2018 là 8,06 tỷ USD, năm 2019 là 10,08 tỷ USD, năm 2020 tăng lên 11,8 tỷ USD; số người mua sắm trực tuyến cũng tăng đều qua các năm. Năm 2018 là 39,9 triệu người, năm 2019 là 44,8 triệu người, năm 2020 là 49,3 triệu người.

Sự vào cuộc của cơ quan thuế

Mặc dù chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đã được quy định trong các luật về thuế, tuy nhiên trước sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế đã chủ động vào cuộc, đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động này. Từ năm 2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tiến hành rà soát và yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng qua mạng phải thực hiện kê khai thuế. Hàng nghìn tài khoản đã tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, cục thuế đã chủ động rà soát các cá nhân có hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội, gửi tin nhắn thông báo yêu cầu đăng ký, kê khai thuế. Bên cạnh đó, cục thuế cũng phối hợp với các cơ quan liên quan, để nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng liên quan đến hoạt động TMĐT, có những biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng quản lý, từ cung cấp ứng dụng trên Google, Facebook, đến bán hàng online, cho thuê nhà qua ứng dụng Agoda, Booking.com, Airbnb...

Cùng với việc rà soát, phân loại Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách thuế cho các đối tượng này. “Để tổ chức, cá nhân biết và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, chúng tôi cũng đã thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp người nộp thuế nắm bắt được quy định pháp luật về thuế, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế” - ông Trường nói.

Tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan thuế cũng đã chủ động có các giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, cục thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa, nhất là các đơn vị giao nhận được ủy quyền thu tiền khi giao hàng. Với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện phương thức thanh toán qua ngân hàng không sử dụng tài khoản đăng ký với cơ quan thuế, cục thuế phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Công thương đề nghị cung cấp danh sách tên, địa chỉ, mã số thuế, hoặc căn cước công dân của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT để xác minh, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Ông Lưu Đức Sáu - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, cục thuế yêu cầu các chi cục thuế, các phòng chức năng phối hợp tiếp tục rà soát các cá nhân, tổ chức có địa chỉ kinh doanh trên trang mạng để phân loại; phối hợp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp bưu chính... để kiểm tra, đối chiếu số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ, nơi đặt kho hàng, giao hàng, nơi tổ chức bán hàng qua phương thức điện tử…

*Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam:
Người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ nhờ tuyên truyền tốt

Qua theo dõi tôi thấy rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Cục Thuế TP. Hà Nội có nhiều chuyển biến trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Vừa qua có 2 cá nhân tại quận Cầu Giấy đã tự giác kê khai và nộp 40 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Khi biết được thông tin này tôi rất ngạc nhiên. Có lẽ từ trước đến giờ chưa có cá nhân nào tự giác kê khai và nộp nhiều tiền thuế như thế.

Đây là kết quả của công tác tuyên truyền đã được cục thuế đẩy mạnh trong thời gian qua. Nhiều hội nghị tập huấn về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đã được cơ quan thuế tổ chức. Thông qua công tác tập huấn, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên người nộp thuế đã nắm được và tự giác thực hiện nghĩa vụ. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng.

Tăng thu hàng trăm tỷ đồng từ thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trên các trang web, facebook… tại một số cục thuế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến tháng 12/2020 là 240,89 tỷ đồng (Hà Nội 148 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng 24.33 tỷ đồng). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, các cục thuế trên toàn quốc đã xử lý tăng thu số tiền hơn 130 tỷ đồng (bao gồm số tiền thuế kê khai bổ sung, số tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền phạt) đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam