Giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp từ kho bạc

16:51 | 29/07/2021 Print
Hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (không bao gồm nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao) ước hết tháng 7 mới giải ngân được trên 36% kế hoạch. Với trách nhiệm của mình, Kho bạc Nhà nước đang tiến hành nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

Tại nhiều địa phương, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp. Ảnh minh họa: H.T

Nhiều địa phương giải ngân còn thấp

Để giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, kho bạc nhà nước (KBNN) các cấp đã thường xuyên bám sát các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và địa phương để thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định. Đặc biệt, trong quá trình kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn, KBNN đã chú trọng đến nội dung hợp đồng xây dựng được quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện hợp đồng xây dựng, trong đó quan tâm đến việc các bên thỏa thuận trong hợp đồng, số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, điều kiện thanh toán, mức tạm ứng, điều kiện tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.

Định kỳ 1 tháng 1 lần, KBNN cấp tỉnh, cấp huyện tổng hợp kết quả giải ngân, nêu những khó khăn, vướng mắc đến từng danh mục dự án của từng chủ đầu tư thực hiện tham mưu với UBND cùng cấp để có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đâu tư công năm 2021.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi trong việc thanh toán vốn đầu tư, ngoài việc cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, KBNN đã đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có thể lập hồ sơ thanh toán bất cứ lúc nào (không nhất tiết phải trong giờ hành chính) và không phải đến trụ sở kho bạc để giao dịch. Do đó, các chủ đầu tư dễ dàng thực hiện thanh toán vốn mà không phải mất nhiều thời gian đi lại…

Tuy nhiên, theo báo cáo từ KBNN, tỷ lệ giải ngân của cả nước đến thời điểm hiện tại vẫn thấp, mới đạt trên 36%. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả cùng kỳ năm trước (trên 40%). Đáng chú ý, có nhiều địa phương, tỷ lệ giải ngân chưa đạt được đến 30% kế hoạch vốn được giao.

Đơn cử như tại Hà Nội, đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 (không bao gồm phần giải ngân qua quỹ đầu tư phát triển và ghi thu - ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT) mới đạt trên 22%. Tức là mới có 11.958 tỷ đồng được giải ngân trong khi kế hoạch vốn được giao là 54.192 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam, tính đến đầu tháng 7/2021, nguồn vốn đầu tư công mới giải ngân được 1.927 tỷ đồng. Do đó, so với nguồn vốn được giao là 6.562 tỷ đồng thì việc thực hiện mới chỉ đạt 29% kế hoạch…

Tỉnh Ninh Thuận, được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 3.208 tỷ đồng. Đến đầu tháng 7 vừa qua, KBNN Ninh Thuận cũng mới chỉ giải ngân được 1.038 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch.

Nguyên nhân của việc giải ngân còn thấp được các KBNN chỉ ra là do tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 nên việc thi công công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, với các dự án khởi công mới và các gói thầu mới, chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán.

Quyết liệt giải ngân từ nay đến cuối năm

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại với tốc độ lây lan nhanh, tại nhiều địa phương đang bị dịch hoành hành, các công trình xây dựng đều phải tạm ngừng thi công để thực hiện phòng chống dịch. Do đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, KBNN vừa có công văn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố quán triệt tới các đơn vị trực thuộc và cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.

Đồng thời, các KBNN địa phương tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn của chủ đầu tư để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn. Đặc biệt, đối với nhóm dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, các KBNN địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định (đối với dự án đã phê duyệt quyêt toán); hoàn tất thủ tục lập, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 để phê duyệt trước 30/9/2021.

KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN đôn đốc đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện báo cáo nhanh hàng tuần về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công, chi ứng dụng công nghệ thông tin và mua sắm tài sản năm 2021 của đơn vị mình với các nội dung chủ yếu: tiến độ giải ngân các nội dung; tỷ lệ giải ngân trong tuần; lũy kế giải ngân đến thời điểm báo cáo; các nội dung chậm tiến độ so với báo cáo kỳ trước, nguyên nhân, lý do; đề xuất, kiến nghị...

Ngoài ra, KBNN cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân của đơn vị theo tiến độ đề ra; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công và các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam