Kho bạc Hà Nội vừa chống dịch hiệu quả vừa kiểm soát chi an toàn

18:47 | 28/07/2021 Print
Trong bối cảnh Hà Nội một lần nữa phải thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp vừa chống dịch, nhưng đồng thời cũng thực hiện chi trả ngân sách kịp thời, không để ảnh hưởng tới các nguồn chi đơn vị thụ hưởng ngân sách.

KBNN Hà Nội

Khách hàng đến giao dịch tại KBNN Hà Nội tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: KBNN Hà Nội

Nguồn ngân sách được chi trả kịp thời, an toàn

Là cơ quan được phép hoạt động trong thời gian cả thành phố phải thực hiện giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, nhưng Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội cũng gặp khó khăn trong việc chi trả nguồn ngân sách cho các đối tượng thụ hưởng khi khu phố cách ly với khu phố; quận, huyện cách ly với quận, huyện…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc KBNN Hà Nội, để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, KBNN Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc đóng trên địa bàn có dịch bố trí số lượng công chức tối thiểu (bao gồm cả lãnh đạo) làm việc tại cơ quan để công việc của đơn vị diễn ra bình thường, thông suốt.

Đối với những đơn vị KBNN trực thuộc khác bố trí công chức (bao gồm cả lãnh đạo) làm việc tại nhà để dự phòng khi cần thiết nhưng vẫn đảm bảo duy trì mọi hoạt động của đơn vị, không để công việc bị ách tắc.

Đặc biệt, KBNN Hà Nội đã yêu cầu các KBNN trực thuộc trên địa bàn đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đây chính là một kênh giao dịch, thanh toán an toàn nhất khi đại dịch bùng phát bởi khách hàng không phải đem chứng từ giấy trực tiếp đến kho bạc. “Với việc chỉ cần ngồi ở nhà đẩy hồ sơ, chứng từ lên DVCTT để thanh toán với kho bạc, các cán bộ làm công tác kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) không phải đi lại ra bên ngoài nên đã đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “ ở yên một chỗ” nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ” - bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, KBNN Hà Nội cũng quán triệt các đơn vị KBNN quận, huyên thực hiện kiểm soát hồ sơ, chứng từ ngay khi đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư gửi đến theo quy định, không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không có lý do.

Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch lần này, hàng ngày Hà Nội liên tiếp có các ca bệnh gia tăng, do đó, chi trả nguồn kinh phí để phòng chống dịch là việc làm hết sức cần thiết. KBNN Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để các khoản chi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch và các khoản chi cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thanh toán nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định.

Báo cáo từ KBNN Hà Nội, tính đến ngày 27/7/2021, đơn vị đã thực hiện kiểm soát, thanh toán gần 92.827 tỷ đồng vốn ngân sách (cả chi đầu tư và chi thường xuyên), đồng thời thanh toán kinh phí để phòng, chống dịch Covid-19 hơn 861 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến

Dịch bệnh vẫn có những diến biến khó lường và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Vì vậy, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm, KBNN Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Chuẩn bị phương án, kịch bản sẵn sàng để ứng phó với các tình huống xảy ra mà vẫn đảm bảo mọi giao dịch thanh toán của các đơn vị được thông suốt, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ KBNN Hà Nội, hiện nay 100% giao dịch thanh toán của các đơn vị sử dụng ngân sách qua KBNN Hà Nội được thực hiện qua DVCTT với 6.850 đơn vị thuộc diện bắt buộc tham gia. Ngoài ra còn có 221 đơn vị không thuộc diện bắt buộc nhưng qua tuyên truyền, vận động cũng đã tham gia thanh toán qua DVCTT.

Do đó, để đảm bảo chi trả nguồn ngân sách, KBNN Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện tốt DVCTT mức độ 4 cũng như cập nhật và triển khai kịp thời các chương trình, phần mềm ứng dụng hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý thu - chi NSNN. Đồng thời, KBNN đôn đốc, khuyến khích số ít các đơn vị SDNS còn lại cài đặt phần mềm cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động nhằm thông báo biến động số dư tài khoản, tình trạng xử lý hồ sơ và các giao dịch thanh toán một cách kịp thời cho chủ tài khoản/kế toán trưởng các đơn vị SDNS, tăng cường tính công khai minh bạch, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quản lý chi NSNN. “Đây cũng là một trong những nội dung hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng của Kho bạc.” - người đứng đầu KBNN Hà Nội cho biết.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam