Tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả từ điều hành ngân sách nhà nước

17:47 | 27/07/2021 Print
Theo báo cáo mới đây Chính phủ trình Quốc hội, trước bối cảnh thiên tai, dịch bệnh Covid-19 khó lường, nhiều giải pháp trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước đã được thực hiện để gia tăng hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.

thuế

Trong bối cảnh thu giảm, việc tiết kiệm chi NSNN là hết sức quan trọng. Ảnh: Nhật Minh.

Cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng kinh phí hội nghị, công tác phí

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước (NSNN); chú trọng khai thác nguồn thu của NSNN, mở rộng cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các đơn vị hệ thống trong ngành Tài chính đã quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp,…

Với những nỗ lực đó, kết quả thu NSNN đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Tổng thu cân đối NSNN năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm so với dự toán khoảng 31 nghìn tỷ đồng, nhưng tăng 185 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội).

Tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 23,9% GDP; huy động từ thuế, phí đạt khoảng 19,1% GDP.

Bộ Tài chính đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của NSNN và phối hợp với các bộ, ngành rà soát, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê đến ngày 31/12/2020, đã gia hạn, miễn, giảm khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, giảm thiểu việc trục lợi chính sách.

Trong bối cảnh thu NSNN giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP).

Cụ thể như: công khai, minh bạch trong phân bổ dự toán NSNN; sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ nguồn thu; chưa điều chỉnh mức lương cơ sở nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động.

Dự toán chi thường xuyên tiếp tục tiết kiệm 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng) bên cạnh việc cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát NSNN; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm, ước khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng.

Tỷ trọng chi đầu tư cao hơn mục tiêu

Việc triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp THTKCLP đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn

Cơ cấu chi NSNN tiếp tục chuyển dịch tích cực. Năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Tháng 8/2020, Bộ Tài chính đưa vào vận hành Cổng thông tin công khai NSNN, góp phần cải thiện tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình trong phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công và giám sát thực hiện công khai NSNN của các bộ, cơ quan và địa phương.

Thống kê đến hết năm, tổng số tiết kiệm chi của ngân sách trung ương là 12,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó gồm: Tiết kiệm chi trả nợ lãi 10,6 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và 10% kinh phí thường xuyên khác của các bộ, cơ quan trung ương là 1,5 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, đã sử dụng 12,1 nghìn tỷ đồng này để mua vắc-xin phòng chống Covid-19.

Tổng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bố trí dự toán là 17,5 nghìn tỷ đồng; số đã sử dụng là 17,5 nghìn tỷ đồng, trong đó bổ sung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 3.610,3 tỷ đồng.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam